Tin KHCN nước ngoài
Lớp phủ CBD ăn được giúp trái cây tươi lâu hơn (07/06/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trái cây tươi ngon, rất tốt cho sức khỏe. Để bảo quản trái cây tươi lâu hơn, các nhà nghiên cứu Thái Lan đã tạo ra một lớp phủ vô hình, có thể ăn được được làm bằng cannabidiol (CBD).

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu các lớp phủ ăn được giúp trái cây và các loại thực phẩm dễ hỏng khác kéo dài thời hạn sử dụng mà không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng hoặc hương vị của chúng bằng cách sử dụng vật liệu làm từ tơ nhện, vỏ tôm, trứng, pectin hoặc protein sữa và giờ đây các nhà khoa học đã bổ sung thêm CBD vào danh sách vật liệu bảo quản.

CBD là hợp chất không gây ảo giác trong cần sa và ngày càng được sử dụng nhiều trong điều trị chứng lo âu, động kinh, đau đớn và các vấn đề khác. Trong số những lợi ích tiềm năng, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện tác dụng kháng khuẩn của CBD, do đó, các nhà khoa học tại Đại học Thammasat và Viện nghiên cứu Chulabhorn ở Thái Lan đã xem xét khả năng sử dụng CBD để bảo quản trái cây lâu hơn.

Nhóm nghiên cứu đã kết hợp CBD với các polyme phân hủy sinh học đã được sử dụng trong vận chuyển thuốc để tạo ra các hạt nano có chiều rộng 400 nanomet. Sau đó, chúng được trộn với nước và một chất phụ gia thực phẩm gọi là natri alginate. Tiếp đến, các nhà nghiên cứu nhúng dâu tây vào dung dịch thu được, sau đó ngâm lần thứ hai trong axit ascorbic và canxi clorua, biến lớp phủ thành gel.

Để kiểm tra khả năng bảo quản của lớp phủ, nhóm nghiên cứu đã đặt dâu tây đã xử lý và chưa xử lý vào hộp nhựa mở nắp và giữ chúng ở nhiệt độ tủ lạnh trong vài tuần. Kết quả là những quả dâu được xử lý bằng CBD bị thối chậm hơn 15 ngày so với những quả dâu thường và còn giữ được màu sắc lâu hơn. Lượng CBD cao được dùng để bảo quản trái cây xem ra phát huy hiệu quả tốt hơn lượng CBD thấp.

Lớp phủ mới này nếu được nghiên cứu thêm, có thể hữu ích trong việc giảm lãng phí thực phẩm và có triển vọng sử dụng để bảo quản các loại trái cây khác, cũng như các loại thực phẩm dễ bị hư hỏng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Applied Materials & Interfaces.S.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5082

Về trang trước Về đầu trang