Tin KHCN trong nước
Chú trọng chất lượng đào tạo tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ (08/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Chiều 7/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHCN; đánh giá chung về chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ hiện nay và những đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm bảo đảm cũng như nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.

Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam có 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện KHCN; Trường Đại học KHCN Hà Nội (USTH) và Viện Toán học.

Trong những năm qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã luôn quan tâm và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm luôn coi trọng công tác đào tạo qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, với phương châm là lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu mà không theo số lượng.

Đảng ủy Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/ĐU ngày 03/02/2017 về nâng cao công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Đến năm 2022, sau 5 năm thực hiện, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã tiến hành sơ kết Nghị quyết và ban hành Kết luận số 349/KH/ĐU ngày 06/10/2022 của Đảng ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/ĐU, ngày 03/02/2017 về nâng cao công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Triển khai nội dung này, tất cả các nghiên cứu sinh bảo vệ đều có công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, có uy tín trong danh mục ISI.

Việc xét và tài trợ kinh phí thực hiện đề tài cho các nghiên cứu sinh xuất sắc được thực hiện thông qua các chương trình đã được phê duyệt. Sau 5 năm triển khai chương trình với kinh phí 200-400 triệu/đề tài là nguồn lực hữu ích ươm mầm cho các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ.

Các hoạt động đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo ở các cấp bậc được triển khai thông qua nhiều chương trình, nhiều đơn vị như: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học Quốc tế, Trung tâm Vật lý quốc tế do (do UNESCO công nhận và bảo trợ).

Chất lượng đào tạo gần tiệm cận chất lượng quốc tế. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã triển khai thành công chương trình đào tạo nghiên cứu sinh chất lượng quốc tế; mở mới chương trình dự bị nghiên cứu sinh. Tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài để triển khai đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện hình thức đồng hướng dẫn cho phép nghiên cứu sinh làm việc dưới sự hướng dẫn của 1 giảng viên đơn vị đào tạo và 1 giảng viên quốc tế, có thời gian làm việc tại Việt Nam và nước ngoài phù hợp với nội dung nghiên cứu. Các ngành đào tạo có ưu thế của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam như: Công nghệ Sinh học, y dược, Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano.

Viện Hàn lâm cũng phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao từ các nhà khoa học ở các đơn vị trực thuộc. Không chỉ tham gia công tác giảng dạy trực tiếp, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam còn tham gia các hoạt động đào tạo khác như hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hiện nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp và các hoạt động học thuật khác như tham gia hội đồng đánh giá khóa luận, luận văn, luận án, hội đồng tuyển nghiên cứu sinh...

Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu chuyên ngành. Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2543/QĐ-VHL ngày 28/12/2018, phê duyệt chương trình Đào tạo tiến sĩ chất lượng quốc tế, nhằm hỗ trợ thêm kinh phí cho nghiên cứu sinh xuất sắc của Học viện KHCN.

Xây dựng khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu chuyên ngành cho công tác đào tạo. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động đào tạo giữa các viện chuyên ngành và Học viện nhằm đảm bảo có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của các cơ sở này cho công tác nghiên cứu và đào tạo của Học viện. Trường Đại học KHCN Hà Nội (USTH) đã ký thỏa thuận hợp tác và chia sẻ cơ sở vật chất với 10 đơn vị của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, để mở rộng thêm diện tích lớp học, phòng thí nghiệm thực hành...

Chú trọng chất lượng đào tạo tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ

 Đoàn Giám sát thăm quan phòng thí nghiệm quốc tế của Trường Đại học KHCN Hà Nội (USTH)

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng nảy sinh một số bất cập. Đó là sự chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật, thông tư, nghị định khác liên quan đến đầu tư, khuyến khích hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học…

Các đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam hầu hết là lĩnh vực nghiên cứu về KH&CN, một số mã ngành đào tạo tương đối hẹp về chuyên môn, nên số lượng nghiên cứu sinh đăng ký dự tuyển còn ít. Bên cạnh đó, một số mã ngành khó có được các công trình công bố trên tạp chí quốc tế và các tạp chí trong nước…

Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới những năm gần đây giảm sút, một phần do sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT năm 2017 và 2021. Quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 áp dụng chưa hết một khóa đào tạo đã có quy chế năm 2021, khiến công tác quản lý, tổ chức đào tạo gặp nhiều khó khăn, cũng như một bộ phận người học lúng túng, ngại theo học.

Từ thực tế đào tạo, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam kiến nghị có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên và công nghệ để thu hút người học. Các trường, đơn vị tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tăng khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống pháp luật sau đại học theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo để phát triển giáo dục sau đại học theo nhu cầu của xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là nơi đào tạo hàng đầu tiến sĩ chuyên ngành về KHCN. Hiệu quả đào tạo của Viện Hàn lâm KHCN đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển KHCN của đất nước.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, những năm qua, đào tạo trình độ tiến sĩ là công việc hết sức quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, cũng có những nơi, công tác đào tạo tiến sĩ tồn tại vấn đề liên quan đến chất lượng, khiến dư luận xã hội rất quan tâm.

Mục tiêu của chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ là tìm hiểu, phát hiện điểm hay, cách làm tốt, từ đó nhân rộng, biểu dương; đồng thời nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo tiến sĩ, nhất là về chính sách, pháp luật, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4611

Về trang trước Về đầu trang