Tin KHCN trong nước
Sản xuất giống hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp bằng công nghệ vi nhân giống (04/08/2022)
-   +   A-   A+   In  

Cây hoa lan Hồ điệp là loại hoa được xếp vào mặt hàng “cao cấp” và được ưa chuộng nhất hiện nay. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xã hội thì nhu cầu sử dụng hoa lan Hồ điệp nói riêng ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh đặc biệt ở các đô thị, thành phố lớn. Lượng hoa chủ yếu được nhập về từ Đài Loan, Trung Quốc... Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Rau quả (2019), Giá trị nhập khẩu hoa lan hồ điệp từ Trung Quốc và Đài Loan năm 2017 của Việt Nam khoảng 365,96 tỷ đồng; đến năm 2018 tăng lên khoảng 520,03 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sản xuất hoa lan Hồ điệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người dân.

Ở Việt Nam công nghệ nuôi cấy mô tế bào đã được ứng dụng trong sản xuất giống cây hoa lan Hồ điệp, nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế: tỷ lệ biến dị cao, cây sinh trưởng, phát triển kém. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ khó cạnh tranh.

Mặt khác, các nghiên cứu sản xuất thử nghiệm giống và hoa thương phẩm trước đây mới chỉ triển khai trên các giống hoa nhập nội chưa thực hiện trên các giống được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính, mang bản quyền của Việt Nam. Các giống hoa nhập nội như hiện nay, nếu sản xuất để xuất khẩu sẽ gặp rào cản rất lớn về vấn đề bản quyền giống.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Rau quả cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Văn Tiến thực hiện đề tài “Sản xuất giống hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp bằng công nghệ vi nhân giống” với mục tiêu: Làm chủ và chuyển giao vào sản xuất giống lan Hồ điệp và hoa thương phẩm quy mô công nghiệp phục vụ nội tiêu, xuất khẩu.

Lan Hồ điệp là giống lan có tên gọi Phalaenopsis, thuộc họ phụ Vandeae. Tên gọi Phalaenopsis bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, trong đó Phalaina có nghĩa là “con bướm” và Opsis có nghĩa là “giống như”. Đa số loài của chi có hoa giống như con bướm.

Lan Hồ điệp là cây đơn thân nhưng rất ngắn, có lá mọc khít nhau nên không có lóng. Lá tương đối dày, mập, thường rộng ở phần trên, hẹp ở phần dưới. Hoa nhỏ hay khá to, mỗi hoa bền khoảng 2 - 3 tháng.

Hiện nay có nhiều chi lan khác được lai với Phalaenopsis và lai ngay trong cùng chi, tạo ra 40.000 loài lai (Nguyễn Thiện Tịch và cộng sự, 1996). Chi lan Hồ điệp có thể chia ra thành 5 nhóm, có 2 nhóm quan trọng đó là:

- Nhóm Euphalaenopsis: có đặc điểm là cánh hoa dài và rộng hơn lá đài. Cánh môi rộng và có hai bộ phụ riêng biệt. Bộ lá thường có màu lục đậm hơn ở mặt trên nâu sẫm ở mặt dưới. Hoa nhiều, mảnh mai. Một vài loài tiêu biểu: Phalaenopsis amabilis, P. philippinensis, P. schilleriana.

- Nhóm Stauroglottis: Lá đài và cánh hoa cùng một cỡ. Cánh môi hẹp và không có bộ phụ ở phía trước. Bộ lá có màu xanh lục nhạt ở cả mặt trên và mặt dưới lá. Hoa nhỏ hơn và cánh dày hơn, thường có màu hoa văn. Một vài loài tiêu biểu là P. amboinensis, P. gigantea, P. lindenii…

Lan Hồ điệp được phát hiện đầu tiên năm 1750, đến năm 1852 được dùng từ Blume để định danh. Đến nay, đã phát hiện được hơn 70 loài, đa số mọc ở các vùng nóng ẩm của châu Á.

Lan Hồ điệp có nguồn gốc từ miền nhiệt đới nên nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của chúng tương đối cao. Nhiệt độ tối thích vào ban ngày là từ 25-28 độ C và 18-20 độ C vào ban đêm. Tuy nhiên Hồ điệp là loài lan chịu nóng hơn một số loài lan khác, do đó nó cũng có thể sinh trưởng khá tốt điều kiện nhiệt độ cao hơn nhưng không quá 35 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 15 độ C, rễ cây ngừng hút chất dinh dưỡng, lá chuyển sang màu tím, quá trình sinh trưởng ngừng lại, thậm chí nếu gặp rét hại (dưới 10 độ C), hoa sẽ bị rụng nụ hoặc các cánh hoa xuất hiện đốm đen nhỏ làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của hoa. Giai đoạn ươm cây con thì cần nhiệt độ ban đêm cao hơn khoảng 23 độ C. Giai đoạn phân hóa hoa đòi hỏi biên độ nhiệt độ ngày/đêm chênh lệch khá cao, ban ngày thích hợp nhất là 25 độ C, ban đêm 18 độ C, kéo dài 3 - 6 tuần rất có lợi cho sự phân hóa hoa (dẫn theo Nguyễn Văn Tiến và cộng sự, 2019).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Dự án đã hoàn thiện 2 quy trình công nghệ, bao gồm: Quy trình công nghệ nhân giống lan Hồ điệp bằng tách chồi trong ống nghiệm quy mô công nghiệp và Quy trình sản xuất hoa lan Hồ điệp thương phẩm. Hai quy trình công nghệ đã được Viện Nghiên cứu Rau quả công nhận công nhận cấp cơ sở theo Quyết định số: 377/QĐ-VRQ-KH ngày 14 tháng 10 năm 2019.

Dự án đã tổ chức đào cho 10 kỹ thuật viên, 60 lượt công nhân, nông dân về quy trình nhân giống và sản xuất hoa lan Hồ điệp.

Dự án đã tổ chức sản xuất thử giống lan Hồ điệp bằng công nghệ nhân chồi trong ống nghiệm được 2 triệu cây giống, giá thành sản xuất thấp, chất lượng cây giống tương đương so với cây nhập nội.

Dự án đã sản xuất thử nghiệm 02 giống lan hồ điệp lai HĐ1 (Hồng giai nhân♂LVR4 x ♀LVR2), HĐ2 (Đỏ tân xuân: ♀V31 x ♂LW15) ở 4 địa phương cho kết quả: Hai giống sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng hoa cao và đã được công nhận giống chính thức theo Quyết định số 455/QĐ-VRQ-KH của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau qảu ngày 19 tháng 12 năm 2019.

Dự án đã xây dựng thành công mô hình cây con giống 1 năm tuổi với quy mô 4.000m2, tương đương 200.000 cây giống và mô hình hoa thương phẩm quy mô 4.000m2, tương đương 100.000 cây trong nhà lưới hiện đại cho 4 giống hoa lan Hồ điệp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17291/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3139

Về trang trước Về đầu trang