Tin KHCN trong nước
Cuộc thi Finnovation lần thứ nhất: Tìm kiếm những dự án Fintech có tiềm năng cạnh tranh quốc tế (19/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 18/4, Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp tổ chức lễ phát động cuộc thi sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022”.

Phát động cuộc thi Finnovation cho sinh viên toàn quốc | Ảnh: BTC
Phát động cuộc thi Finnovation cho sinh viên toàn quốc | Ảnh: BTC
 
 
Đây là cuộc thi đầu tiên và lớn nhất ở cấp độ quốc gia về Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và tài sản, được kỳ vọng trở thành một sự kiện định kỳ nổi bật trong ngành Fintech.
 
Cuộc thi diễn ra từ ngày 18/4 đến ngày 12/8 với nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhằm thu hút ít nhất 100 dự án sinh viên, từ đó tuyển chọn và đào tạo 10 dự án xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
 
Các dự án tiến tới vòng chung kết toàn quốc sẽ được kết nối với các doanh nghiệp chiến lược, hoàn thiện pháp lý & tư vấn sở hữu trí tuệ, xúc tiến gặp gỡ các nhà đầu tư để gọi vốn khởi nguồn ít nhất 1.000 USD/dự án. Đặc biệt, Top 5 dự án của vòng chung kết sẽ được dẫn dắt tham gia các chương trình gọi vốn quốc tế và các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế.
 
Tuân thủ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ
 
Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, Finnovation 2022 hướng đến xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đa lĩnh vực, có quy mô quốc tế, trong đó lấy công nghệ, đổi mới sáng tạo làm phương tiện; lấy lực lượng trẻ, sinh viên làm nòng cốt và lợi ích cộng đồng làm định hướng sáng tạo. Theo ông, đây là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số với mục tiêu phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Trong khi đó, Ban tổ chức Finnovation cho biết muốn thông qua cuộc thi để thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp bắt rễ từ các trường đại học, cao đẳng; đồng thời tạo môi trường “sandbox” cho phép thử nghiệm những sản phẩm Fintech mới.
 
Để làm được điều này, Finnovation đã kết nối với 5 trường đại học (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương) cùng 4 vườn ươm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, và các hiệp hội, CLB tài chính, cố vấn/mentor uy tín trên cả nước.
 
“Mặc dù là cuộc thi bắt nguồn từ sinh viên – tức yêu cầu trong nhóm phải có ít nhất một sinh viên Việt Nam đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước – nhưng chúng tôi luôn khuyến khích các nhóm thi kết nối với các giảng viên, chuyên gia và sinh viên quốc tế, thậm chí là các startup hoặc qua đặt hàng của các công ty bên ngoài, để được dẫn dắt và phát triển ra những ý tưởng thực sự nổi bật”, ông Chu Quang Thái, đại diện thường trực phía Nam của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (NSSC) - một trong những đơn vị triển khai cuộc thi, chia sẻ.
 
Đồng thời, ông Thái nhấn mạnh, các dự án phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, bao gồm kiểm duyệt đạo văn, cấm sao chép ý tưởng của các tác giả trong và ngoài nước, tuân thủ trích dẫn quốc tế và sử dụng các hình ảnh, nhãn hiệu theo quy định cấp phép. “Chúng tôi muốn hướng tới mô hình đi ra quốc tế ngay từ đầu”, ông Thái nói, “bởi Fintech là như vậy: nó cho phép chúng ta hiểu nhau, dám làm ăn với nhau mà không cần phải gặp mặt, và sở dĩ điều đó làm được là bởi chúng được xây dựng trên cơ sở dữ liệu, công nghệ và các hành lang pháp lý.”
 
Trong ngày đầu phát động Finnovation 2002, đã có hơn 150 sinh viên trên địa bàn Hà Nội đăng ký tham gia cuộc thi.
 
Thời gian gần đây, Fintech trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng. Hiện có đến hơn 160 công ty phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới vào năm ngoái tập trung vào lĩnh vực Fintech, theo Ngân hàng Nhà nước.
 

Chi tiết 3 vòng thi:

Vòng 1: Sơ khảo, diễn ra từ ngày 18/4 - 15/6/2022. Tác giả/nhóm tác giả đăng ký và nộp hồ sơ dự án tại cổng thông tin chính thức của cuộc thi (https://finnovation247.com). Các hồ sơ sẽ được đăng tải công khai để cộng đồng cùng bình chọn.
 
Nội dung hồ sơ gồm: Bản đăng kí dự thi, giới thiệu thông tin và năng lực của nhóm tác giả;Bản mô tả dự án (Khái quát ý tưởng áp dụng công nghệ tài chính để giải quyết vấn đề cụ thể, phân tích thị trường, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch hành động, định vị thương hiệu, ý nghĩa tác động xã hội,…); Cam kết sở hữu trí tuệ.

Vòng 2: Huấn luyện, diễn ra từ 20/6 - 20/7/2022. Các đội thi được huấn luyện kiến thức, kỹ năng về dự án (bao gồm: xác định mục tiêu, giải pháp cốt lõi; xây dựng đội nhóm; sở hữu trí tuệ; thiết kế mô hình kinh doanh; xây dựng sản phẩm; đo lường tiến độ dự án; gọi vốn…). Kết quả của vòng 2 tìm ra 20 đội xuất sắc đi tiếp.

Vòng 3: Chung kết, diễn từ 25/7 - 12/8/2022. Các đội thi thuyết trình và phản biện trước Hội đồng giám khảo, 5 đội xuất sắc nhất sẽ được chọn vào đêm chung kết để tìm ra đội vô địch. Top 10 đội thi lọt vào vòng chung kết tham gia được tham gia vào vòng đầu tư (Investment forum).

Cơ cấu giải thưởng:

+ 01 giải nhất trị giá 100 triệu đồng.
+ 02 giải nhì trị giá 50 triệu đồng/giải.
+ 02 giải Ba trị giá 30 triệu đồng/giải.
+ Các giải thưởng sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Giải nhất được đề xuất tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KH&CN.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4128

Về trang trước Về đầu trang