Tin KHCN trong tỉnh
Định hình vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (17/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đã giúp nông dân chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất/năm; chất lượng sản phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm; giá trị sản xuất tính trên diện tích được nâng lên nhiều lần so với sản xuất thông thường.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.

 

Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Sau 1 năm chuyển đổi trồng các loại rau truyền thống sang trồng dưa lưới công nghệ cao (CNC), hiện 8 nhà màng trồng dưa lưới CNC của bà Mai Thanh Hoa (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho năng suất tốt, đầu ra ổn định.

Bà Hoa cho biết, trước đây gia đình bà trồng các loại rau theo phương thức truyền thống, chi phí đầu tư tốn kém mà hiệu quả không cao, dễ bị sâu bệnh tấn công… dẫn tới lợi nhuận kinh tế thấp. Năm 2019, bà đầu tư chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng dưa lưới CNC. Với phương thức này, có thể canh tác 4-5 vụ/năm, sản phẩm an toàn và được người tiêu dùng đón nhận. Cùng với 1 diện tích đất, nếu theo phương thức truyền thống chỉ trồng được khoảng 800 gốc dưa, trồng theo CNC có thể đạt 1.500 gốc. Ngoài ra, giá thành cao gần như gấp đôi so với sản phẩm truyền thống, đặc biệt an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Hiện bà đã trồng được 4 vụ, sản lượng thu hoạch đạt 4,2 tấn/vụ/1 nhà màng, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ, bà thu về 300 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng trọt, UDCNC trong nuôi trồng thủy sản cũng được nhiều DN quan tâm. Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một ví dụ. Đây là DN có dự án nuôi tôm CNC lớn trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 300ha. Ông Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Công ty cho biết: Nếu như trước đây nuôi tôm trong ao đất, chỉ thả nuôi với mật độ 100 con/m2, nhưng với mô hình UDCNC, mật độ nuôi có thể đạt 250-300 con/m2. Người nuôi hoàn toàn có thể kiểm soát được môi trường nước, thức ăn và chất thải của tôm. Tỷ lệ hao hụt tôm thấp, năng suất cao hơn nuôi thông thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải. Vụ tôm đầu năm 2020, sản lượng tôm của công ty đạt khoảng 1.000 tấn, lợi nhuận 20-30 tỷ đồng.

Đến nay, tại các địa phương như Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc… đã từng bước hình thành các vùng sản xuất NNUDCNC. Điển hình như huyện Châu Đức có hơn 179ha cây ăn quả, 650ha cacao và 2.200ha hồ tiêu; 426ha chuối nuôi cấy mô được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; 14 trang trại chăn nuôi đầu tư hệ thống chuồng lạnh khép kín… Giá trị các sản phẩm NNUDCNC năm 2019 đạt hơn 600 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp của toàn huyện; năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Trong đó nổi bật là các dự án của Công ty Vương Huy (xã Xà Bang) trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng với quy mô khoảng 1,5ha; Công ty TNHH TM-DV 3T PLUS (Green Farm), sản xuất dưa lưới trong nhà màng quy mô khoảng 1ha và trồng cây ăn trái khoảng 4,5ha theo hướng hữu cơ tại xã Láng Lớn…

Trở thành ngành mũi nhọn

Để phát triển NNUDCNC theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Tỉnh ủy BR-VT đã xây dựng Đề án 04/ĐA-TU về phát triển NNUDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án 04 là xây dựng, đưa vào hoạt động 7 vùng NNUDCNC; tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 gấp 1,3 lần. Đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đề án phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, với mức tăng trưởng hàng năm 4,5%; sản phẩm NNUDCNC chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp; đến năm 2025 chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp… Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 4 vùng NNUDCNC, gồm: Vùng sản xuất NNUDCNC tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (diện tích 252ha); vùng sản xuất NNUDCNC tại huyện Châu Đức (1.037ha); vùng nuôi tôm UDCNC tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (300ha); vùng nuôi cá nước ngọt bán thâm canh, thâm canh tại huyện Châu Đức (100ha). Đến nay, tỉnh thu hút được hơn 250 DN, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất NNUDCNC. Các DN, tổ chức, cá nhân đang từng bước phát huy thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư sản xuất NNUDCNC.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để phát huy hiệu quả Đề án 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển NNUDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành chính sách cụ thể khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng NNUDCNC, hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện thực hiện nhanh các thủ tục giao đất để các DN sớm triển khai các dự án đầu tư NNUDCNC…

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở sản xuất với diện tích sản xuất 2.558ha UDCNC, trong đó có 2.527ha đang sản xuất với sản lượng ước đạt 27.830 tấn/năm; ngoài ra, có 16.189ha áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới nước kết hợp dinh dưỡng, tiết kiệm được nhân công, từ đó tăng hiệu quả sản xuất. Về chăn nuôi UDCNC có 131 trang trại nuôi heo, gia cầm, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm và 59,3% tổng đàn chăn nuôi heo. Về nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống UDCNC có 18 cơ sở với diện tích 352ha, trong đó đang sản xuất 222ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm và 4,8 tỷ con giống/năm.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3282

Về trang trước Về đầu trang