Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chế biến nông sản, dược liệu kết hợp quá trình sấy và quá trình trích ly (08/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Thực tế hiện nay cho thấy, ngoại trừ phương pháp sấy thăng hoa, các phương pháp sấy khác đều gây thất thoát tinh dầu hoặc các hoạt chất sinh học dễ bay hơi (có thể nhận thấy qua mùi sinh ra trong quá trình sấy). Trong khi đó, phương pháp trích ly thông thường sinh ra rất nhiều phế phẩm như bã rắn sau trích ly và dung môi không thể thu hồi.

Nhằm giải quyết vấn đề trên, TS. Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp khả thi để có thể kết hợp cả quá trình sấy và trích ly trong 1 thiết bị nhằm thu hồi tối đa các sản phẩm có giá trị và không tạo ra phế phẩm (zero-waste), đồng thời có thể phù hợp với mọi loại nguyên liệu. Với những cải tiến đó, “Phương pháp và thiết bị chế biến nông sản, dược liệu kết hợp quá trình sấy và quá trình trích ly” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0028413 công bố ngày 25/5/2021 cho TS. Phạm Thị Thùy Phương và nhóm tác giả.

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp phương pháp và thiết bị thân thiện với môi trường ứng dụng trong công nghệ chế biến nông sản, dược liệu nhằm tiết kiệm năng lượng, rút ngắn thời gian chế biến và giảm thất thoát các thành phần có dược tính trong suốt quá trình chế biến.

Phương pháp chế biến gồm các bước: Đầu tiên, sơ chế nông sản, dược liệu tùy theo bản chất của từng loại nguyên liệu và yêu cầu của từng sản phẩm. Nông sản, dược liệu sau khi sơ chế được cấp vào buồng sấy, tiến hành chiếu xạ vi sóng cho vật liệu sấy trong buồng sấy để tiến hành quá trình sấy ở nhiệt độ cố định và trong điều kiện chân không. Trong quá trình sấy, hơi nước và các thành phần khác tách ra từ nguyên liệu được thoát ra khỏi buồng sấy bằng trọng lực. Sau đó, tiến hành ngưng tụ hỗn hợp hơi thoát ra từ buồng sấy và thu dịch chiết; đồng thời, tách tinh dầu ra khỏi dịch chiết trong trường hợp trong dịch chiết có tinh dầu. Kết quả là nông sản, dược liệu đã được làm khô đến độ ẩm bảo quản và thu hồi được hỗn hợp dịch chiết hoặc tinh dầu trong quá trình sấy.

Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng thử nghiệm trên nguyên liệu sả, gừng và vỏ bưởi. Kết quả cho thấy phương pháp mới cho hiệu suất tinh dầu, khả năng kháng khuẩn cao hơn phương pháp truyền thống trong trường hợp trích ly gừng và sả; đặc biệt năng lương tiêu hao giảm nhiều lần so với phương pháp truyền thống.

Phương pháp và thiết bị chế biến nông sản, dược liệu kết hợp quá trình sấy và trích ly đem lại hiệu quả rất thiết thực trong cuộc sống, giúp giảm thời gian sấy và tận thu được các thành phần có dược tính có trong nguyên liệu mà không tốn thêm chi phí năng lượng, nhờ đó, giảm thiểu được chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm, tăng hiệu quả sử dụng thiết bị và đem lại giá trị tăng thêm. Thông tin về phương pháp và thiết bị cũng đã được đăng tải trên Tạp chí Food Proc Eng.

 

Nguồn: https://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3897

Về trang trước Về đầu trang