Tin KHCN trong nước
Ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo (01/12/2021)
-   +   A-   A+   In  
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, biện pháp quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo là ứng dụng khoa học và công nghệ. Bộ KH&CN rất quan tâm đến đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, những năm qua ngành năng lượng đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng. Mặc dù vậy, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng (tốc độ trung bình hằng năm tăng tới 10,5%), những năm gần đây nước ta đã phải nhập khẩu từ 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.

Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho thấy: Tiềm năng điện gió trên bờ là 217 GW, điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW, điện mặt trời khoảng là 386 GW công suất khả thi có hiệu quả cao, điện sinh khối khoảng 5 GW, nguồn rác thải khoảng 1,5 GW, nguồn địa nhiệt 460 MW.

Thời gian qua, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỷ kWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, một biện pháp quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo là ứng dụng KHCN. Bộ KH&CN rất quan tâm đến đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo.

Dựa trên những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2030, sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt. Trong việc tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, Bộ đặc biệt quan tâm đến các chương trình KHCN để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, dành nguồn lực xứng đáng, tập hợp đội ngũ nhà khoa học và có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021. Ảnh: VGP 

Nói về vai trò, vị trí của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dự thảo quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP 26.

Một số quan điểm lớn trong Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Đây là nguồn năng lượng có tiềm năng nhưng trong thời gian qua chưa được phát triển.

Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho rằng, phát triển KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp rất quan trọng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng mạnh, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức và thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn trong việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo như một phương thức để xây dựng hệ thống năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý cho quốc gia.

Điều này đã được thể hiện rõ trong cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp và cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng cam kết mạnh mẽ này sẽ thu hút số lượng lớn các nguồn tài chính vào Việt Nam khi các tổ chức tài chính quan trọng đang tìm cách dịch chuyển đầu tư từ ngành nhiên liệu hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam nên tiếp tục tận dụng những cơ hội này để phát triển thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai ở Đông Nam Á và điều này sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược đáng kể trong khu vực”, ông Ben Backwell nhấn mạnh.

Theo ông Ben Backwell, năng lượng gió hiện đã vượt mốc 4 GW lắp đặt tại Việt Nam và sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Việt Nam để hiện thực hóa yêu cầu “xóa bỏ dần than”. Để phát triển năng lượng gió đòi hỏi công nghệ đột phá để tăng mức giá cạnh tranh và cách tiếp cận có trách nhiệm để kiểm soát các tác động của nó.

Cũng tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới đến từ đại diện các nước trên thế giới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Những đề xuất, kiến nghị sẽ được Bộ KH&CN tổng hợp, cùng với các bộ, ban ngành khác nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp nhằm phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3344

Về trang trước Về đầu trang