Tin KHCN trong nước
Việt Nam quyết định gia nhập Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân (27/07/2016)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 14/7/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1457/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân.

Thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh, trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực nghiên cứu và đề xuất Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân. Đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực này, trong đó có Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân.

 

Công ước quốc tế về Ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/4/2005, mở để ký ngày 14/9/2005 và có hiệu lực từ ngày 7/7/2007. Công ước nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý toàn cầu về chống lại các mối đe dọa của khủng bố. Công ước tập trung vào các tội phạm hình sự liên quan đến khủng bố hạt nhân và xác định các mục tiêu có thể bị nhắm tới, bao gồm các cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ. Công ước khuyến khích các Quốc gia thành viên phối hợp trong việc ngăn chặn tấn công khủng bố thông qua chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau liên quan đến việc điều tra và thủ tục dẫn độ; xử lý các tình huống khủng bố thông qua hỗ trợ giải quyết các tình huống trong và sau sự cố bằng việc thu hồi, lưu giữ an toàn vật liệu phóng xạ, vật liệu hạt nhân, sử dụng các biện pháp bảo đảm an ninh theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

 

Là Bộ phận thường trực của Tổ Công tác liên Bộ về các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân có trách nhiệm nghiên cứu toàn diện các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phương án tham gia, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành có liên quan khi triển khai thực hiện điều ước quốc tế, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tổ chức nghiên cứu Công ước, so sánh, đối chiếu các điều khoản của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như phân tích thuận lợi, khó khăn khi tham gia Công ước để trên cơ sở đó đề xuất với Tổ Công tác kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ về việc tham gia Công ước này.

 

Tham gia Công ước sẽ tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, đồng thời góp phần vào việc thúc đẩy các hoạt động đối ngoại của ta, cụ thể là thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cam kết chính trị tại các Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ tháng 4/2010, Xơ-un, Hàn Quốc tháng 3/2012, La-hay, Hà Lan tháng 3/2014 và Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ tháng 4/2016 với mục tiêu tăng cường hơn nữa an ninh hạt nhân và giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân ở từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5728

Về trang trước Về đầu trang