Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Tối ưu hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh (29/10/2021)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian qua, tại Việt Nam, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp...

Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm khu vực về nghiên cứu ứng dụng AI

Phát biểu tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt - Australia vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những công nghệ chủ chốt góp phần phát triển kinh tế xã hội các quốc gia. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng để AI trở thành công nghệ chủ chốt trong cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế xã hội, dần đưa Việt Nam trở thành trung tâm khu vực về nghiên cứu ứng dụng AI.

Cũng theo ông Bùi Thế Duy, Chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) tập trung vào việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và kết nối các đối tác đổi mới sáng tạo hai nước. Theo đó, mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy kết nối nghiên cứu, ứng dụng AI, các doanh nghiệp trong lĩnh vực AI góp phần tạo ra sự thay đổi kinh tế xã hội cũng như các thách thức trong lĩnh vực này, giúp Việt Nam - Australia ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những công nghệ chủ chốt góp phần phát triển kinh tế xã hội các quốc gia.

Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam tin rằng, việc thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo giữa hai nước sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cải thiện cuộc sống của người dân. Chương trình Aus4Innovation ra đời năm 2018 cũng nhằm mục đích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Ông ghi nhận kết quả sau 3 năm triển khai, một mạng lưới hợp tác trí tuệ nhân tạo Việt Nam - Australia đã hình thành vào tháng 8/2020 trong bối cảnh Covid-19. Khi đó buộc phải tìm các giải pháp, ứng dụng công nghệ phục hồi kinh tế, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy, giảm tác động tiêu cực đối với cuộc sống của người dân do đại dịch gây ra.

"AI là một trong những cơ hội được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định ứng dụng để phục hồi kinh tế và Aus4Innovation luôn đồng hành" ông Mark Tattersall nói.

Ông cũng nhắc lại nhiều kết quả hiện thực hóa Chiến lược được thực hiện từ đầu năm như các hội thảo chuyên đề được tổ chức thảo luận về giá trị của AI trong y tế, giáo dục, kinh tế... tổ chức ngày hội AI Việt Nam.

Ở Việt Nam, công nghệ AI cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. TS Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc Công ty VinAI cho biết, VinAI đã làm chủ một số công nghệ như học máy, thị giác máy tính, nhận diện khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên... Các kết quả nghiên cứu sẽ được tận dụng để phát triển sản phẩm có giá trị thương mại như công nghệ nhận diện khuôn mặt, ứng dụng công nghệ AI theo dõi và nhận diện mệt mỏi của tài xế, tránh tai nạn có thể xảy ra.

Thực tế khi Covid-19 bùng phát đã mang lại nhiều triển vọng phát triển công nghệ AI. Ông Trần Thắng, Giám đốc nghiên cứu Vietnamsiliconvaley cho biết, các nhà đầu tư đang quan sát và nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực AI sau đại dịch. Lúc này các doanh nghiệp cần dựa vào khoa học dữ liệu để duy trì lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực ứng dụng AI để tự động hóa quy trình, cắt giảm chi phí, đảm bảo ổn định dòng tiền và các yếu tố tài chính trong khủng hoảng.

Ông Thắng đề cập tới trường hợp doanh nghiệp khởi nghiệp Momo đã mua lại doanh nghiệp khởi nghiệp AI để nâng cao năng lực của họ. Ông tin rằng các doanh nghiệp startup AI sẽ là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều sự quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng AI hiệu quả, như công ty CyberPurify đã sử dụng AI để lọc các nội dung trên internet giúp trẻ em sử dụng an toàn hơn, có những giải pháp giúp các nhà mạng viễn thông tiết kiệm đến 90% chi phí nhân lực. EM&AI cung cấp một giải pháp AI toàn diện cho các trung tâm chăm sóc khách hàng toàn thế giới để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, giảm chi phí hoạt động đến 60%.

Cùng nói về vấn đề trên, ông Vũ Hồng Chiên, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI), Tập đoàn FPT cho biết, QAI có một hệ sinh thái sản phẩm từ các ứng dụng không dùng giấy tờ bằng nhận dạng tín hiệu quang, nhà máy thông minh hay chẩn đoán bệnh ung thư... QAI cũng đang có dự án hợp tác với các cơ sở hàng đầu trên thế giới với các lĩnh vực như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Hiện cộng đồng AI tại Quy Nhơn được xây dựng dành cho các kỹ sư, chuyên gia đam mê phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025, Quy Nhơn trở thành thung lũng về trí tuệ nhân tạo của châu Á.

Tại Việt Nam, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa

Cần xây dựng nền tảng liên kết chặt chẽ

PGS. TS Bùi Thu Lâm, Tổng Thư ký Câu lạc Bộ Khoa- Trường- Viện Công nghệ Thông tin (FISU) nhận định, mục tiêu của kết nối cộng đồng AI là hỗ trợ nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp, kết nối và hợp tác với các đối tác trên thế giới. Trong đó, FISU là nơi tập hợp các chuyên gia.

Ông cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có nhiều hoạt động tạo điều kiện thúc đẩy các đối tác phát triển, hình thành cộng đồng AI Việt Nam - Australia. Tuy nhiên, cần có kế hoạch hành động, đặt ra các mục tiêu cụ thể để đẩy mạnh kết nối. Khi hình thành mạng lưới, cần có người điều hành chung, đảm bảo sự phát triển bền vững bằng các hoạt động cụ thể như giảng dạy nghiên cứu giữa các tổ chức của hai quốc gia, các hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách, quản lý nhà nước về AI...

Bà Sue Keay, Giám đốc Điều hành Queensland AI cho rằng, đại diện các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, cần xây dựng một nền tảng trong đó các bên liên quan kết nối với nhau. Trong đó phải thành lập các tiểu nhóm, phân ban để hoạt động đi vào trọng tâm. Hiện đã có mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam tại Australia, có thể tận dụng mạng lưới này làm nòng cốt xây dựng mạng lưới AI.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam cũng đang xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp AI. Hệ sinh thái sẽ thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thứ trưởng hy vọng sẽ có các công ty khởi nghiệp từ Australia tham gia cùng công ty startup tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam có thể tham gia thị trường hoạt động kinh doanh tại Australia.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 4659

Về trang trước Về đầu trang