Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại tỉnh Ninh Bình (11/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Sản phẩm rau củ muốn tồn tại trên thị trường, ổn định về giá và nguồn thu từ cây rau thì sản phẩm rau sạch phải đạt chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Việt Nam, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang là xu thế mới, là mục tiêu của sản xuất rau trong cả nước. Việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, ghi chép chi tiết từ khẩu xử lý đất trồng, nguồn nước tưới, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch, sơ chế bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Giá rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bao giờ cũng cao hơn so với phương pháp thông thường, nhờ đó, giá trị trên diện tích canh tác cũng tăng lên góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Lợi ích lớn nhất khi người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP là sự an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi các loại rau này được sản xuất và chứng nhận theo một quy trình có sự giám sát nghiêm ngặt nên đạt chất lượng cao hơn rau thông thường, đặc biệt truy nguyên nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết.

Xuất phát từ những yêu cầu trên, đề tài: “Ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại tỉnh Ninh Bình” do nhóm nghiên cứu của ThS. Đinh Thị Lý tại Công ty Cổ phần đầu tư Công nghệ Xanh thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020, thực sự phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Đã chuyển giao và tiếp nhận thành công 15 quy trình công nghệ; 1 quy trình sản xuất cây con trong vườn ươm; 4 quy trình sản xuất trong nhà lưới cho các cây: cà chua, dưa chuột, súp lơ và hành; 01 quy trình sản xuất các loại rau trong vòm che thấp; 08 quy trình sản xuất rau ngoài trời cho các cây: cải bắp, su hào, cải xanh, cải ngọt, hành, súp lơ, dưa chuột và cà chua; 01 quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản.

- Đã xây dựng thành công 05 mô hình: mô hình sản xuất cây rau giống; mô hình sản xuất rau trong nhà lưới cho các cây: cà chua, dưa chuột, súp lơ và hành; mô hình sản xuất vòm che thấp; mô hình sản xuất rau ngoài trời cho các cây: cải bắp, su hào, cải xanh, cải ngọt, hành, súp lơ, dưa chuột và cà chua; mô hình chế biến rau an toàn, chất lượng đã chế biến thành công 30 tấn rau sạch/ha/năm. Chất lượng rau đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả của đề tài góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định đời sống của người dân, phát triểu sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19061/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 1925

Về trang trước Về đầu trang