Tin KHCN trong nước
Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 275 đặc sản địa phương (29/04/2021)
-   +   A-   A+   In  
Đây là thông tin được Cục Sở hữu trí tuệ cho biết tại Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/4/2021, tại Lâm Đồng.

Hội nghị do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về SHTT 2020, định hướng hoạt động năm 2021; những nội dung cơ bản dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật SHTT; đánh giá một năm triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tổng kết Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và 10 năm tiếp theo (2021 - 2030); một số giải pháp trong quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng ở Việt Nam.

 

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý sở hữu trí tuệ của 59 sở KH&CN của các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị.
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu, rộng, toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào, đó là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế, nên rất cần sự tích cực vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.  

 

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 125.689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019); trong đó, có 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế; 22 đơn chỉ dẫn địa lý; 287 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam; 48.969 đơn/yêu cầu khác. Cục đã xử lý được 113.476 đơn các loại; trong đó, có 71.829 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. 

Cục đã cấp 48.072 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019), bao gồm 4.597 bằng độc quyền sáng chế - giải pháp hữu ích, 2.066 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 33.700 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 7.688 đăng ký quốc tế nhãn hiệu và 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. 

 

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Cục đã quan tâm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 275 đặc sản địa phương. Cụ thể, đã cấp 256 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 19 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; 1.148 sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như cam sành Hàm Yên, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm Hội An, quế Trà Bồng; hỗ trợ hoạt động quản trị sở hữu trí tuệ cho Tập Đoàn Dệt may, Hiệp hội da giày túi xách, Công ty DABACO, Công ty đóng tàu Hạ Long, công ty đóng tàu Bạch Đằng...

 

Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu. Đã tiến hành xây dựng và xác lập 23 nhãn hiệu, trong đó 15 nhãn hiệu chứng nhận, 8 nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ 107 dự án áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho 72 doanh nghiệp; hỗ trợ 4 lượt doanh nghiệp tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia, quốc tế. Hỗ trợ 5 huyện, thành quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”, “Cà phê Di Linh”, “Nếp quýt Đạ Tẻh”, “Tơ lụa Bảo Lộc” và tạo lập nhãn hiệu “Atiso Đà Lạt”, “Măng cụt Bảo Lộc”; xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho nhãn hiệu Sầu riêng Đạ Huoai tại Trung Quốc. Hỗ trợ trực tiếp cho 11 doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phát triển công nghệ, cải thiện năng suất lao động đưa các sản phẩm chủ lực chè, cà phê, rau, hoa thành thương hiệu mạnh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã đăng ký và xác lập 26 nhãn hiệu, tuy nhiên trong số các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ có khoảng 50% nhãn hiệu phát triển tốt số còn lại chưa được quan tâm đúng mức và phát triển một cách hiệu quả, có nhãn hiệu chưa có đơn vị nào đăng ký tham gia nên hiệu quả mang lại chưa cao; Các nhãn hiệu tuy đã được xác lập cho các sản phẩm nông sản, nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn và diện tích canh tác ngày càng thu hẹp. Năng lực triển khai về hoạt động SHTT đối với cán bộ làm công tác SHTT của cơ quan quản lý và doanh nghiệp địa phương còn hạn chế. Các sáng chế đã được cấp văn bằng, tuy nhiên quá trình khai thác và thương mại hóa còn chưa thật hiệu quả.

 

Tại Hội nghị, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT trình bày về những nội dung cơ bản Dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật SHTT. Luật SHTT được sửa đổi trên cơ sở quán triệt mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tình hình mới, lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây, triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược SHTT đến năm 2030, đồng thời kết hợp giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn qua hơn 10 năm thi hành.

 

Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

 

Ngoài ra, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về: Tài sản trí tuệ, nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; Một số giải pháp trong quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng ở Việt Nam; Xây dựng, định vị và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc của địa phương; trao đổi các vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ và quản lý các tài sản trí tuệ gắn với địa danh; giải quyết, tháo gỡ những hạn chế về hoạt động SHTT của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.

 

Nhiều ý kiến cho rằng để triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm khẳng định vai trò của SHTT trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng hiện nay, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; xây dựng văn hóa SHTT…

 

Kết thúc Hội nghị, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời khẳng định, Cục sẽ tổng hợp các ý kiến, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ những hạn chế về hoạt động SHTT của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng nhằm khẳng định vai trò của SHTT trong thời gian tới.

 

Có thể nói Hội nghị toàn quốc về SHTT là một sự kiện quan trọng để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên phạm vi cả nước. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, những người làm công tác SHTT thảo luận, trao đổi đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng hoạt động SHTT cho những năm tiếp theo vì mục tiêu phục vụ phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng nhu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4121

Về trang trước Về đầu trang