Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ tạo bùn hạt hiếu khí nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải của nhà máy liên hợp bột và giấy (31/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Quá trình sinh học đã và đang là quá trình chính trong hệ thống xử lý nước thải đặc biệt là quá trình bùn hoạt tính ASP (Activated Sludge Proceess). Hầu hết các hệ thống xử lý nước thải sử dụng quá trình sinh học bùn hoạt tính thông thường có một số bất lợi như lượng sinh khối, nồng độ chất rắn lơ lửng cao, diện tích xây dựng công trình lớn, tải trọng xử lý thấp (0,5 - 2 kg COD/m3/ngày). Hơn nữa, khả năng lắng của bùn hoạt tính thấp, nên chi phí xây dựng và chi phí xử lý bùn tăng. Tijhuis và cộng sự năm 1994 đã phát hiện ra bùn hạt hiếu khí (AGS). Bùn hạt hiếu khí có nhiều ưu điểm hơn bùn hoạt tính thông thường về nồng độ sinh khối đã lắng, kích thước, hình dạng, tính đồng đều và khả năng lắng. Dù những ưu điểm của bùn hạt hiếu khí so với bùn hạt truyền thống đã được chứng minh về nhưng công nghệ bùn hạt hiếu khí chủ yếu ở quy mô phòng thí nghiệm, nguồn nước thải tổng hợp với nguồn cacbon là glucose, mật rỉ đường, sucrose và peptone hoặc trên nước thải sinh hoạt.

Do đặc điểm công nghệ, ngành công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy đã sử dụng và thải ra một lượng nước khá lớn trong quá trình sản xuất do đó nhóm nghiên cứu do ThS. Võ Thành Lê, Viện công nghiệp Giấy và Xenluylô làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ tạo bùn hạt hiếu khí nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải của nhà máy liên hợp bột và giấy”.

Trên cơ sở các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đưa ra các kết luận như sau:

1. Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tạo bùn hạt hiếu khí từ bùn hiếu khí thông thường với quy mô phòng thí nghiệm với điều kiện công nghệ tối ưu như sau:

- Tỷ lệ trao đổi nước (VER) :60%

- Tải lượng hữu cơ sử dụng nuôi tạo gia đoạn thích nghi là: 2,4 kg/m3 ngày đêm, ứng với lượng COD là 600mg/L và khả năng chịu tải của bùn hạt sau hình thành gấp 3 lần so với tải lượng ban đầu là 7,22,4 kg/m3 ngày đêm, ứng với lượng COD là 1800mg/L

- Tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp với quá trình hình thành phát triển của bùn COD: N: P = 100:5:1.

- pH tối ưu: 7

- Nồng độ DO duy trì trên mức: 3,5mg/L.

- Nhiệt độ phù hợp: 25-30oC

2. Tiến hành nuôi tạo thành công 05 lít bùn hạt hiếu khí trên mô hình pilot 18 lít/mẻ với chất lượng bùn hạt như sau:

- Thời gian hình thành: 23 ngày

- Chỉ số lắng: SVI 48,8 - 60 mL/g

- Giá trị MLSS: 5.980 mg/L với MLSS/MLVSS: 0,86

- Kích thước hạt: >4,0 mm đạt 35% và đạt 40% vào ngày thứ 30

3. Đã sử dụng 5lít bùn hạt hiếu khí để ứng dụng xử lý nước thải nhà máy liên hiệp bột và giấy

- Tổng công ty Giấy Việt Nam với quy mô 1m3/mẻ với hiệu suất xử lý COD đạt 81,82% và tăng >10% so với bùn hoạt tính.

4. Từ kết quả đề tài thu đạt được cũng đã đánh giá hiệu quả kinh tế của công nghệ xử lý nước thải mô hình SBR với bùn hạt hiếu khí.

Đề tài đã nuôi tạo thành công bùn hạt hiếu khí từ nguồn bùn hoạt tính hiếu khí của hệ thống xử lý nước thải nhà máy liên hợp bột và giấy (Tổng công ty giấy Việt Nam) và đã ứng dụng thử nghiệm trên Pilot xử lý nước thải của nhà máy đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình thành tạo bùn hạt hiếu khí cần có các nghiên cứu thêm như: sự ổn định của bùn hạt, thời gian lưu bùn trong bể được thử nghiệm trên hệ thống xử lý thực tế nước thải của các nhà máy khác để hoàn thiện công nghệ tạo bùn hạt hiếu khí. Vậy, kính đề nghị Bộ Công Thương cho nghiên cứu tiếp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15553/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3366

Về trang trước Về đầu trang