Tin KHCN trong nước
3 giải pháp thúc đẩy công cuộc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam (28/02/2021)
-   +   A-   A+   In  
Chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ về 3 giải pháp nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thách thức của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á, trong đó nhận định đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Á trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

“Có rất nhiều bằng chứng thể hiện mối liên kết giữa đổi mới sáng tạo và năng suất cao hơn. Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, đã tạo động lực để các chính phủ trong khu vực hành động khẩn trương, thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo bằng cách đưa ra các chính sách tốt hơn", bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương WB cho biết.

Các quốc gia đang phát triển ở Đông Á được đề cập trong nghiên cứu này bao gồm 10 nước có thu nhập trung bình: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo, các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á đã có những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng bền vững và giảm nghèo. Nhưng khi tăng năng suất có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, để duy trì tăng trưởng kinh tế, các quốc gia cần phải chuyển đổi sang những hình thức sản xuất mới và tốt hơn.

Để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách giải quyết thách thức này, báo cáo xem xét tình hình ứng dụng đổi mới trong khu vực, phân tích những hạn chế chính mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra chương trình hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo của WB, mặc dù khu vực Đông Á là cái nôi của nhiều nhân vật nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhưng dữ liệu từ báo cáo rằng cho thấy trừ trường hợp Trung Quốc, các nước trong khu vực đổi mới sáng tạo ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. Và khu vực này đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới.

Chuyên gia kinh tế Xavier Cirera, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết, bên cạnh một số ví dụ đáng chú ý, đại đa số các công ty trong tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á hiện không tìm tòi đổi mới. Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng - hỗ trợ một lượng lớn các công ty áp dụng các công nghệ mới, đồng thời cho phép các công ty đã đạt trình độ phát triển cao thực hiện các dự án đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn.

Tại sự kiện trực tuyến công bố báo cáo của WB, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ 3 khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo và thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đó là: Nguồn lao động đông đảo, dồi dào, vừa là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế khi nguồn lao động này lại thiếu chuyên môn sâu và trình độ công nghệ cao để có thể chủ động áp dụng được đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu muốn đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế vĩ mô và cơ cấu kinh tế nội ngành toàn diện gắn với giáo dục. Những chính sách này đòi hỏi Việt Nam phải có một quãng thời gian khoảng 10-15 năm.

Hơn nữa, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa có đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Vì vậy, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp gắn với đổi mới công nghệ và thị trường là thách thức lớn thứ hai của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuối cùng là những bất cập tồn tại trong việc triển khai các hiệp định thương mại song phương, đa phương đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp nhận thức được và tham gia vào chuỗi toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, báo cáo của WB có thể làm cơ sở khuyến nghị 3 giải pháp cho Việt Nam theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất là cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo công nhân và những người lao động có tay nghề đáp ứng được với công nghệ mới và gắn việc đào tạo công nhân có tay nghề với các nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng kết cầu hạ tầng và phát triển thị trường vốn để cung ứng cơ sở đầu vào cho doanh nghiệp. Thứ ba là sửa đổi khung pháp lý và cơ chế, có những chính sách đặc thù để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm thay đổi mọi mặt của đời sống, hoạt động kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đang đi theo 2 hướng: Vốn, ngân sách Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế, về tiếp cận thị trường... để huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội nhằm đổi mới công nghệ, tham gia thị trường.

Ảnh minh họa 

Tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, triển khai Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ, năm 2021, Bộ phối hợp sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quy định khác có liên quan như thuế, đầu tư, đất đai... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Bộ xây dựng các chính sách và thể chế đột phá cho việc thí điểm triển khai các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao. Bộ hoàn thiện quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ thực thi có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; Kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Đặc biệt, Bộ chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy, Việt Nam duy trì được thứ hạng cao, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc (GII) năm 2020 liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí được WIPO, trường Kinh doanh INSEAD và trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn. Trong những năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Theo báo cáo của WIPO, trong bảng xếp hạng hàng năm, GII cho thấy sự ổn định ở vị trí cao nhất, nhưng có sự dịch chuyển dần dần về một nhóm các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam - những quốc gia đã tăng đáng kể trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo trong những năm qua. Theo đó, trong những năm qua, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam là những nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới GII theo thời gian. Cả bốn quốc gia này hiện đều có mặt trong top 50.

Báo cáo cho biết, trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 khi nền kinh tế của các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu không chỉ về chống dịch mà còn tích lũy được kết quả nghiên cứu trong nhiều năm và đưa ra các giải pháp về KH&CN để chống lại đại dịch COVID-19. Một chỉ số đáng bất ngờ khác là, mặc dù trong 6 tháng giãn cách xã hội vì dịch COVID- 19, nhưng số lượng bằng sáng chế, đơn sở hữu trí tuệ khác, bằng phát minh sáng chế vẫn tiếp tục tăng và số được công nhận cũng tăng hơn so với năm 2019. Trong bảng xếp hạng GII 2020, các chuyên gia WIPO đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 42 là đang cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3245

Về trang trước Về đầu trang