Tin KHCN trong nước
Ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn miền núi (14/11/2020)
-   +   A-   A+   In  
Bộ KH&CN vừa phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số thường được biết đến với 5 cái “nhất” gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nông thôn, miền núi và vùng dân tộc không thể phát triển và thoát nghèo nếu không hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KH&CN, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, bảo hiểm sản xuất và tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi, đã có 400 dự án được phê duyệt. Các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, so với mục tiêu 1.200 mô hình theo kế hoạch (đạt 109,1%); chuyển giao được 2.126/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 141,7%); làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài. Có 43 dự án đã nghiệm thu, trong đó 2 dự án loại Xuất sắc, 33 dự án loại Khá, 8 dự án Đạt.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP 

Thông qua việc thực hiện dự án và các nhiệm vụ có liên quan, Chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.800/1.500 cán bộ quản lý (đạt 120%); đào tạo được 3.520/2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (đạt 140,8%); tập huấn cho 78.610/80.000 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%).

Chương trình Nông thôn miền núi đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả của Chương trình duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Hiệu quả của Chương trình được các cấp chính quyền và người dân đánh giá cao và nhân rộng trong thực tiễn.

Cần lựa chọn dự án, công nghệ cho các lĩnh vực phù hợp hơn

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tỉnh Bắc Giang không ngừng được tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp hiệu quả của nhiều ngành, lĩnh vực trong đó nổi bật là việc tăng cường ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế-xã hội nhất, là khu vực nông thôn, miền núi.

Chương trình Nông thôn miền núi, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện 11 dự án KH&CN. Thông qua Chương trình, đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo trên 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 2.300 lượt người dân; giải quyết được tình trạng lao động dôi dư, nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương
phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP 

Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương trong tỉnh tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ như: Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; dự án Ứng dụng KH&CN nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang…

Ông Đặng Văn Thư, dân tộc Dao, đại diện hộ nông dân tham gia mô hình dự án ứng dụng KH&CN chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Phú Thọ cho biết nhờ có dự án, gia đình ông đã thoát nghèo, từ hộ cận nghèo lên hộ có thu nhập trung bình khá. Khi tham gia dự án, ông được tập huấn nâng cao các kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”; các hộ tham gia dự án được hỗ trợ bò giống, thức ăn…

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức chủ trì dự án, Chương trình đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua. Đó là việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch, mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái… vẫn còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực phù hợp hơn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị, trong giai đoạn tới, Chương trình cần bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án, huy động tối đa các nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công Chương trình. Đồng thời, phải có kế hoạch nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất của các dự án sau khi kết thúc, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân.

Nguồn: VietQ.vn

Số lượt đọc: 2897

Về trang trước Về đầu trang