Tin KHCN trong nước
Sản xuất phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen (26/06/2020)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng từ chất thải ra của ruồi lính đen.

TS Lâm Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam - cho biết, hiện nay nhu cầu phân bón hữu cơ tại Việt Nam vào khoảng 50 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn sản xuất và nhập khẩu phân hữu cơ chỉ khoảng 3,2 triệu tấn. Trong những năm tới, lượng phân hữu cơ thiếu hụt rất nhiều, vì vậy việc nghiên cứu tìm ra những nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ có chất lượng tốt là điều cấp thiết.

Phân ruồi lính đen chứa nhiều chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân bón hữu cơ. Cụ thể, kết quả đánh giá hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân ruồi lính đen được nuôi từ bã hèm bia và có phối trộn với cám ăn gia cầm cùng với một số rác hữu cơ (rau củ quả) như sau: pH 5,25; OM: 65,5%, Nts: 2,1%; Axit Humic: 1,93%; Axit Fulvic: 4,61%; K2Ots: 1,2%; P2O5ts: 2,57%; CaO: 3,75%; MgO: 1,28%; Zn: 77,3ppm; các kim loại năng (Cd, Pb, As, Hg) không phát hiện. Đây là các thông số rất tốt làm nguồn nguyên liệu compost để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học.

Ruồi lính đen sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện không gian hẹp ở khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Hiện nay, các nơi nuôi ruồi lính đen chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, một số ít ở phía Bắc và Tây Nguyên. Trên thị trường đã xuất hiện phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen, nhưng các sản phẩm chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chưa được đầu tư theo quy mô công nghiệp.

Công thức phối trộn được nhóm nghiên cứu đưa ra gồm: 68% phân ruồi, 30% than sinh học, chế phẩm vi sinh, 2% phụ gia. Tất cả được định lượng và đưa vào máy để đảo trộn, khi đạt độ ẩm đạt 50% thì được lên men theo phương pháp ủ bán hiếu khí. Kiểm tra định kỳ độ ẩm, nhiệt độ và thực hiện đảo trộn nguyên liệu (định kỳ 7 ngày 1 lần). Sau đó, thu hồi sản phẩm sau lên men đưa qua hệ thống sấy khô để phân đạt độ ẩm theo tiêu chuẩn là 25%.

Kết quả phân tích chất lượng, cho thấy đạt tiêu chuẩn của phân hữu cơ sinh học: pH: 7,23; MO: 57,07; Nts: 2,46; Axit humic: 3,79; axit fulvic: 3,55; K2Ots: 6,94; P2O5ts: 5,34 và tỉ lệ C/N: 11,74. Không phát hiện kim loại nặng (Cd, Pb, As và Hg) và vi sinh vật gây hại (salmonella và E.coli). Các vi sinh vật hữu ích (Streptomyces spp và Bacillus subtilis) đều ở mức cao đạt từ 108 cfu/g trở lên.

Theo TS Hà, thử nghiệm cho thấy, phân hữu cơ được sản xuất từ phân ruồi lính đen có tác dụng cải thiện độ pH và độ ẩm của đất xám bạc màu cao hơn so với phân gà và phân trùn quế. Đồng thời, khả năng giữ ẩm cho đất cũng tốt hơn so với phân trùn quế.

Ngoài ra, thử nghiệm trên cây mồng tơi tại Hóc Môn, TPHCM, cho thấy, trên 1 ha rau mồng tơi, bón 20 tấn phân gà/vụ thì cho năng suất 3,4 tấn, đạt doanh thu 269 triệu đồng; còn nếu bón 20 tấn phân ruồi/vụ, cho năng suất 4 tấn và doanh thu 325 triệu đồng. Thử nghiệm trên cây chè ô long tại Bảo Lâm, Lâm Đồng cũng cho kết quả tương tự: cùng bón 3 tấn phân/ha/vụ chè, thì phân ruồi cho năng suất 3,6 tấn, doanh thu 90 triệu đồng; còn bón phân gà cho năng suất 3 tấn, doanh thu 75 triệu đồng.

Với việc làm chủ được quy trình sản xuất phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen và tiềm năng ứng dụng lớn, nhóm nghiên cứu mong muốn hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để có thể chuyển giao công nghệ sản xuất phân ruồi tự động hóa, quy mô công nghiệp.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3810

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đối với các nhà máy chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)