Tin KHCN trong nước
Bùng nổ thương mại điện tử và nỗi lo gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ (16/01/2020)
-   +   A-   A+   In  
Sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử với khối lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông lớn đã tạo thuận tiện về nhiều mặt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng vô tình làm khởi phát, gia tăng những hành vi gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Thương mại điện tử phát triển “chóng mặt…

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới phát triển một cách bùng nổ, năm 2019 đã vượt doanh thu hơn 2.000 tỷ USD. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương – nơi mà TMĐT đang phát triển sôi động.

Tại Việt Nam, lĩnh vực TMĐT cũng đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ USD. Theo dự báo của Google và Temasek, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, Việt Nam sẽ đóng góp trên 33 tỷ USD.

Bên cạnh những mặt tích cực kể trên, theo đánh giá của các chuyên gia, kênh TMĐT cũng là nơi tiêu thụ các sản phẩm gian lận thương mại nhiều nhất. Trong đó, rất nhiều hàng lậu, hàng giả, thậm chí có cả hàng cấm. Thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy, thời gian gần đây, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn TMĐT. Dù chưa có nhiều vụ kiện lớn nhưng nếu lướt qua các trang mạng bán hàng lớn như Lazada, Sendo, Tiki, Shoppee... không khó để tìm thấy các sản phẩm “hàng hiệu” như Chanel, Valentino, Giovani, Lacoste... được bày bán công khai với mức giá “rẻ như bèo”.

Còn trên thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn, khi các sàn TMĐT phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp các nhà cung cấp bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các khu chợ điện tử được cho là lớn nhất Việt Nam như: Shopee, Chợ tốt...

Khi đề cập tới vấn đề này, đại diện các sàn TMĐT cho biết, dù doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp để quản lý người bán hàng như: Chặn từ khóa, theo dõi lịch sử người bán, phân tích hệ thống phản hồi từ khách hàng, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng bán hàng kém chất lượng trên các chợ trực tuyến của họ.

Thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa 

…kéo theo nỗi lo xâm phạm sở hữu trí tuệ

Liên quan tới vấn đề trên, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, thị trường TMĐT của Việt Nam có quy mô khoảng 4 tỷ USD và khả năng phủ sóng viễn thông rộng cùng sự phổ biến của điện thoại thông minh sẽ nhanh chóng nâng tốc độ tăng trưởng của thị trường này lên tới 22% mỗi năm.

Trong vòng 5 năm tới, TMĐT Việt Nam có thể đạt giá trị 10 tỷ USD. Dự báo này cũng đem lại nhiều lo lắng, thách thức cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hệ lụy của thương mại điện tử, trong đó có vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu ở các nhóm như: xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Theo bà Nguyễn Nga, Chủ tịch Tiểu ban Quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), mặc dù việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, nhưng kiến thức hạn chế về sở hữu trí tuệ và thiếu nguồn lực vẫn tiếp tục là trở ngại chính.

Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường trực tuyến vô cùng tinh vi, khiến cơ quan thực thi khó nắm được. Các biện pháp hành chính là công cụ được sử dụng nhiều nhất để xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng không đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật còn ngần ngại xử lý các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế cũng cho thấy, việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm khá gian nan, nguyên nhân do các tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin trên mạng nhưng khi cơ quan chức năng tìm đến thì không có, hoặc đã chuyển đi nơi khác. Có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ở nước ngoài nhưng đăng ký tên miền ở Việt Nam, cho nên việc xử lý không dễ. Hoặc một hình ảnh hàng hóa đưa lên mạng, cơ quan có thẩm quyền nghi là hàng giả, nhưng khi đến kiểm tra cũng không xử lý được vì người bán hàng trưng bày hàng thật.

Người vi phạm có thể có cả kho hàng nhưng đến nơi đã kịp tẩu tán, chỉ trưng ra một số ít hàng cũng gây khó khăn cho việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm để ấn định mức phạt, mức bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm quyền. Mặt khác, lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý vi phạm cũng là trở ngại lớn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.

Giải pháp nào?

Trên thực tế, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT có ý nghĩa rất lớn. Nó có thể làm cho một doanh nghiệp phát triển nhanh chóng hay bị lụi bại. Internet tạo nên thị trường toàn cầu và sự cạnh tranh nơi đó không kém khốc liệt. Điều này buộc các doanh nghiệp thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ phải quan tâm thực hiện các thủ tục bảo hộ và động tác kiểm tra nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình.

Trong đó, cần quan tâm đặc biệt đến thương hiệu, bản quyền, và việc ký kết các hợp đồng sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ. Trước hết, thương hiệu là công cụ sống còn của mọi doanh nghiệp TMĐT. Thông qua thương hiệu doanh nghiệp tạo nên sự hiện diện rộng rãi trên Internet, nơi mà mọi người ở mọi nơi đều có thể tìm hiểu hay giao dịch. Vì vậy, thương hiệu trực tuyến có giá trị lớn hơn các bảng hiệu. Chủ sở hữu cần biết những thách thức đứng về mặt luật pháp đối với việc sử dụng thương hiệu trên Internet và phải bảo vệ nó, đặc biệt đối với tên miền và các meta tag.

Về mặt bản quyền, một trang web thương mại điện tử bao gồm nhiều thành phần với nhiều chất liệu trên đó. Những chất liệu cần được quan tâm bảo vệ nhất gồm phần mềm để chạy các chương trình trên trang web, văn bản và hình ảnh trên trang, thành phần âm thanh và cơ sở dữ liệu.

Giá trị kinh tế lớn nhất của quyền sở hữu trí tuệ nằm ở chỗ nó được dùng để cấp phép cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác sử dụng, hoặc dưới hình thức cấp phép sản phẩm như phần mềm chương trình, hoặc dưới chính sở hữu trí tuệ đó như cấp phép khai thác bằng sáng chế.

Nhưng đây lại là những cái bẫy hoặc lỗ hổng lớn nhất khả dĩ làm cho một tài sản sở hữu trí tuệ có thể bị đánh cắp, biến mất hay suy yếu. Doanh nghiệp cần quan tâm đến nội dung và ngôn từ trong các hợp đồng có liên quan đến sở hữu trí tuệ, như trong việc thỏa thuận thiết kế hay phát triển trang web, thỏa thuận cho phép khai thác bằng sáng chế và thỏa thuận cho phép sử dụng tên miền và thương hiệu.

Thông thường các doanh nghiệp thương mại điện tử thường lập cho mình bộ hồ sơ lưu trữ các hợp đồng có liên quan đến sở hữu trí tuệ để dùng vào mỗi lúc gọi vốn đầu tư bổ sung, bán tài sản, sáp nhập hoặc bán doanh nghiệp.

Với sự gia nhập WTO và ký kết các thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương với các nước và các khối, Việt Nam đã chấp nhận bộ Tiêu chuẩn thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, gọi tắt là TRIPs, và việc thành lập các bộ luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử là những bước đi tất yếu. Việc bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện tiên quyết để nước ta thiết lập và phát triển các ngành kỹ thuật cao, đồng thời tiếp nhận đầu tư vào các công ty công nghệ cao là nơi mà tài sản sở hữu trí tuệ lớn gấp nhiều lần các thứ tài sản vật chất.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất, cần có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Ảnh: Hán Hiển

Trước vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm cho rằng, các cơ quan thực thi và cơ quan liên quan cần rà soát các văn bản, cơ chế chính sách để sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT.

Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng việc xây dựng văn bản, quy chế phối hợp hoạt động để giúp triển khai hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT thuận lợi, dễ dàng hơn. Cần đưa ra quy định về xử lý vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số vào Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và các văn bản liên quan. Ngoài ra, trách nhiệm đối với người cung cấp dịch vụ mạng như sàn giao dịch trực tuyến cũng phải được quy định cụ thể, khi vi phạm phải có nghĩa vụ tháo gỡ, loại bỏ yếu tố vi phạm.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này như trang bị kiến thức để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của mình hoặc phát hiện hành vi có nguy cơ tới xâm phạm có thể nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng và chủ sở hữu hàng hóa biết để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3157

Về trang trước Về đầu trang