Tiêu chuẩn ĐLCL
Đo lường định lượng hàng hóa đóng gói sẵn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (31/10/2014)
-   +   A-   A+   In  

Thông tư 21 về đo lường đối với lượng của hàng hóa đóng gói sẵn do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 30/8/2014. Đây được coi là bước tiến mới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng trong hoạt động giao thương.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh việc quy định hàng hóa đóng gói sẵn phải thể hiện đầy đủ các thông số về định lượng, nhãn mác, dấu định lượng trên bao bì,… đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).

 

Ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TĐC) - Bộ KH&CN đã có cuộc trao đổi để thông tin rõ hơn về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết những quy định mới nổi bật tại Thông tư 21 về đo lường?

 

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Ngày 15/7/2014, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn (viết tắt là Thông tư 21). Thông tư 21 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/8/2014, trong đó có một số quy định mới như: Khoản 1 Điều 4 của Thông tư 21 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu phải ghi lượng danh định của hàng đóng gói sẵn trên nhãn; quy định chi tiết cách thể hiện, vị trí ghi lượng danh định... trên nhãn hàng đóng gói sẵn.

 

Thông tư cũng quy định yêu cầu về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn. Tại khoản 2 Điều 4, quy định chi tiết về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn nhằm tránh gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng.

 

Ví dụ: Bao hàng đóng gói sẵn không được có đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ; quy định thể tích của bao phải được điền đầy hàng đóng gói sẵn...

 

Các quy định chi tiết về yêu cầu kỹ thuật đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Điều 4 của Thông tư này là các nội dung hoàn toàn mới, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường trước đây.

 

Đặc biệt, Thông tư 21 quy định về dấu định lượng (ký hiệu “V”), công bố sử dụng dấu định lượng, chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng, việc thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn được áp dụng nhằm xiết chặt việc quản lý định lượng các sản phẩm hàng hóa đóng bao bì sẵn.

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta có quy định về dấu định lượng. Đây là một bước tiến trong quá trình hội nhập về đo lường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thương mại hàng hóa với quốc tế và khu vực (nhiều nước trên thế giới như các nước EU, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc... từ lâu đã quy định về dấu định lượng tương tự như tại Thông tư này).

 

PV: Vậy Thông tư 21 ra đời nhằm mục đích gì thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Trong hoạt động thương mại từ trước đến nay, các loại hàng hóa đóng gói sẵn dù phần lớn có ghi chỉ tiêu khối lượng, định lượng trên nhãn bao bì, tuy nhiên trong một số trường hợp vì mục đích lợi nhuận hay nhập nhằng về lượng hàng hóa mà doanh nghiệp cố tình ghi sai định lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, hoạt động ghi nhãn, ghi định lượng trên bao bì cũng không theo một chuẩn mực quy định, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát và khó hiểu cho người tiêu dùng.  Thông tư 21 ra đời nhằm 2 mục đích chính:

 

Thứ nhất, việc quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn sẽ góp phần bảo đảm công bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do việc định lượng không có sự chứng kiến của bên mua nên cần phải quy định cụ thể yêu cầu kỹ thuật, đo lường đối lượng của hàng đóng gói sẵn để doanh nghiệp tự kiểm soát và đưa ra thị trường, tạo thuận lợi và căn cứ pháp lý cho quá trình kiểm tra, giám sát của người tiêu dùng, của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

 

Thứ hai, đảm bảo hài hoà quy định pháp lý, kỹ thuật về lượng của hàng đóng gói sẵn giữa Việt Nam và các nước, các khu vực khác nhằm tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập thương mại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Ngoài ra, hoạt động đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo sự chủ động trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận khách hàng và nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

 

PV: Tại Điều 8 của Thông tư yêu cầu bắt buộc phải có dấu định lượng “V” thể hiện trên bao bì, vậy những sản phẩm chưa có dấu “V” trước khi Thông tư có hiệu lực thì có được phép lưu thông thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Dấu định lượng là ký hiệu được sử dụng để thể hiện lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư 21. Hiện nay, dấu định lượng “V” được thực hiện theo cơ chế tự nguyện đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 1 nhằm giới thiệu phương thức quản lý mới cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn biết và tự nguyện áp dụng. Vì vậy, tất cả các loại hàng đóng gói sẵn nhóm 1 được tiếp tục lưu thông bình thường. Tuy nhiên, khi có yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ KH&CN sẽ quy định cụ thể Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2. Khi đó, dấu định lượng mới bắt buộc áp dụng đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2 thuộc Danh mục.

 

PV: Ông có thể cho biết, việc thể hiện dấu định lượng trên bao bì sẽ có tác động như thế nào đối với các đơn vị sản xuất? Đặc biệt, họ sẽ được hưởng lợi gì qua Thông tư này?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Hiện tại, theo quy định hướng dẫn, việc áp dụng dấu định lượng là tự nguyện vì vậy, từ khi Thông tư 21 có hiệu lực đến nay, Tổng cục TĐC chưa nhận phản ảnh của các DN về khó khăn, vướng mắc trong việc thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn.

 

Tuy nhiên, về cơ bản, việc áp dụng dấu định lượng cho các sản phẩm, hàng hóa sẽ mạng lại một số lợi ích nhất định như: Người tiêu dùng tin tưởng hàng đóng gói sẵn có dấu định lượng “V” của DN là bảo đảm định lượng đúng quy định của cơ quan nhà nước, giúp DN nâng cao doanh thu bán hàng; Khi xuất khẩu sang thị trường ngoài nước, cơ quan kiểm tra về đo lường của nước ngoài có căn cứ để xem xét, miễn giảm kiểm tra khi nhập khẩu, giảm bớt các thủ tục, sớm đưa hàng hóa vào lưu thông,...

 

Bên cạnh đó, DN sẽ có đủ cơ sở pháp lý, kỹ thuật để tổ chức thực hiện tự kiểm tra, kiểm soát lượng của hàng đóng gói sẵn do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông buôn bán nhằm bảo đảm uy tín của chính DN đó trên thị trường, tạo uy tín đối với người tiêu dùng.

 

PV: Để Thông tư 21 thực sự mang lại hiệu quả đối với cộng đồng, theo ông cần có những giải pháp đồng bộ nào?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Tôi cho rằng, để Thông tư 21 về đo lường thực sự có hiệu quả đối với cộng đồng, một số các giải pháp chính cần triển khai như: Sở KH&CN, Chi cục TĐC các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn tuân thủ các quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư 21; Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân viên kỹ thuật của cơ sở nhằm tự thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; Chi cục TĐC các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, con người theo yêu cầu và điều kiện của Thông tư 21, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận công bố sử dụng dấu định lượng và chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng.

 

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát về đo lường hàng hóa tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn để phát hiện các hành vi không thực hiện đúng quy định về đo lường định lượng, từ đó có các biện pháp và chế tài xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn: truyenthongkhoahoc

Số lượt đọc: 3390

Về trang trước Về đầu trang