Tin KHCN trong nước
Lạng Sơn: Xây dựng nhãn hiệu tập thể ngựa bạch Chi Lăng (03/07/2019)
-   +   A-   A+   In  

Để tiếp tục phát huy giá trị, tiềm năng, thế mạnh về chăn nuôi ngựa bạch và các sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, hiện nay, Trung tâm Ứng dụng, phát triển KHCN và đo lường, chất lượng sản phẩm (Trung tâm) tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Chi Lăng thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ngựa bạch của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn”. Dự án không chỉ góp phần giữ gìn thương hiệu ngựa bạch Chi Lăng mà còn thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi này, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Huyện Chi Lăng được coi là nơi có đàn ngựa lớn nhất trong cả nước với gần 1.800 con ngựa. Trong đó ngựa bạch có 760 con, tập trung chủ yếu ở xã Hữu kiên, xã Quan Sơn và xã Chiến Thắng. Ngựa bạch được nuôi để lấy thịt và nấu cao. Mỗi con non sau khi cai sữa 5 tháng được thương lái mua với giá khoảng 20 triệu; Ngựa 3 năm tuổi có giá khoảng 60 triệu, những con già hơn một chút để lấy xương nấu cao giá 70-80 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính là Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nội,... Chăn nuôi ngựa bạch mang lại giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với giống ngựa thông thường. Giá trị kinh tế thu được hàng năm ước đạt trên 20 tỷ đồng. Những năm gần đây, nghề chăn nuôi ngựa, đặc biệt là chăn nuôi ngựa bạch đã mang lại hiệu phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một nghiên cứu thực nghiệm nào về chất lượng sản phẩm ngựa bạch chăn nuôi tại Hữu Kiên. Các sản phẩm từ ngựa bạch như thịt, cao ngựa,... cũng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên thường bị các sản phẩm cùng loại khác lợi dụng danh tiếng, uy tín. Làm ảnh hưởng giá bán trên thị trường nên chưa phản ánh được giá trị thực tế. Việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm ngựa bạch chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi. Sản phẩm chủ yếu hiện nay chỉ có thịt tươi và cao được chế biến và bảo quản theo phương thức thủ công, tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ. Để phát triển chăn nuôi ngựa bạch tập trung tại Hữu Kiên, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, Trung tâm tiến hành thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu thể cho sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Anh Bế Văn Đức, cán bộ Trung tâm cho biết chúng tôi thực hiện dự án nhằm mục tiêu xác lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ ngựa bạch. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân tại vùng chăn nuôi ngựa bạch của huyện Chi Lăng trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Ngựa bạch nuôi tại Hữu Kiên nói riêng, ngựa bạch huyện Chi Lăng có đặc điểm toàn thân ngựa có lông màu trắng, da trắng hồng, viền mắt màu hồng, con ngươi màu đỏ hồng. Nếu soi đèn vào mắt ngựa ban đêm có màu đỏ rực. Mũi, miệng và bộ phận sinh dục của ngựa có màu hồng đỏ, bộ móng màu trắng ngà. Với những đặc trưng là giống thuần chủng, ngựa bạch của huyện Chi Lăng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả. Đặc biệt, vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi với những đồng cỏ chạy dài theo các dãy núi, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi ngựa bạch. Vì vậy, dự án “Xây dựng nhãn hiệu thể cho sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” là cần thiết trong điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa. Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn khẳng định, dự án triển khai được bà con nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Người dân mong dự án hoàn thành để giá trị sản phẩm được giữ vững, nâng cao thu nhập.

Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết cũng như nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Chi Lăng sau khi xây dựng nhãn hiệu đa số giá bán đều tăng. Huyện sẽ tích cực phối hợp để dự án hoàn thành và phát huy giá trị.

Có thể nói, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm ngựa bạch của huyện Chi Lăng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy việc mở rộng thị trường. Tạo tiền đề thâm nhập được vào các thị trường trong và ngoài nước. Góp phần đảm bảo đời sống cho người sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn.

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 4076

Về trang trước Về đầu trang