Tin KHCN nước ngoài
Các nhà khoa học tìm cách biến đổi nước dãi của ong và tinh dầu hoa thành keo (10/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ong có nhiều tài năng. Chúng là sinh vật biết bay có tổ chức cao, điêu luyện và là sinh vật điều hướng xuất sắc. Theo một nghiên cứu mới, ong cũng là bậc thầy về độ bám dính.

Khi ong lấy phấn hoa, chúng nén những hạt phấn thành các cụm phấn dính vào chân sau. Nhưng yếu tố nào khiến cho những hạt phấn không bị cuốn trôi trong một cơn mưa? Theo các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Georgia, sự kết hợp giữa nước dãi của ong và tinh dầu hoa đã giữ chắc các cụm phấn hoa.
"Ong không chỉ gặp môi trường xung quanh ẩm ướt mà cả môi trường khô và có gió, nên các hạt phấn hoa mà chúng mang theo cũng phải chống lại những thay đổi đó, trong khi vẫn đảm bảo khả năng kết dính", J. Carson Meredith, giáo sư kỹ thuật hóa học và phân tử sinh học và là đồng tác giả nghiên cứu nói. "Khả năng chịu được những thay đổi về độ ẩm vẫn là thách thức đối với chất kết dính tổng hợp".
Thông qua rất nhiều các quan sát chi tiết và thử nghiệm tại lab, các nhà khoa học có thể giải thích cách nước dãi của ong và tinh dầu hoa kết hợp để giúp phấn hoa bám vào chân của ong và bảo vệ chống lại sự tác động của các yếu tố bên ngoài.


Tuyến nước bọt của ong tạo ra dịch tiết bao phủ từng hạt phấn hoa, khiến chúng liên kết với nhau. Ong sử dụng đường từ mật hoa mà chúng uống để tạo ra nước bọt đặc biệt. Nước bọt dính cũng giúp các cụm phấn bám vào chân ong. Chất thứ hai là tinh dầu hoa bảo vệ chất lượng bám dính của nước bọt, khiến cho độ dính không bị ảnh hưởng bởi các mức độ ẩm khác nhau.


"Nó hoạt động tương tự như một lớp dầu ăn bao phủ lên một bể xi-rô", GS. Meredith nói. "Tinh dầu ngăn xi-rô tiếp xúc với không khí và làm chậm đáng kể quá trình khô lại".


Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tách hai thành phần và nghiên cứu cách nước dãi của ong phản ứng với nhiều mức độ ẩm khác nhau khi không có sự bảo vệ của tinh dầu hoa. Các thử nghiệm cho thấy dịch tiết từ mật hoa hấp thụ nhiều nước hơn khi độ ẩm tăng lên, làm suy yếu chất lượng kết dính. Khi bổ sung tinh dầu hoa, nước bọt dính vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi độ ẩm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp này có thể được mô phỏng để tạo nên các loại keo sinh học mới với khả năng đàn hồi mạnh và ít bị tác động hơn trong các môi trường khắc nghiệt và thời tiết thay đổi.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

 

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3328

Về trang trước Về đầu trang