Tin KHCN nước ngoài
Loại vi khuẩn có thể biến nước ô nhiễm thành nước sạch (01/10/2021)
-   +   A-   A+   In  
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Ấn Độ thuộc Đại học Hindu Banaras (IIT-BHU) vừa phát hiện ra một chủng vi khuẩn có khả năng lọc kim loại độc hại khỏi nước và an toàn với người sử dụng.

Chủng vi khuẩn trên có tên "chủng microbacterium paraoxydans VSVM IIT (BHU)", có thể tách chromium-6 từ nước một cách hiệu quả. Chromium-6 là ion kim loại nặng dùng trong mạ điện, hàn và sơn chromate. Đây là chất gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như ung thư, bệnh thận, suy giảm chức năng gan và vô sinh.

Các nhà nghiên cứu cho hay, chủng khuẩn VSVM IIT (BHU) có thể sống trong môi trường chứa một lượng lớn Chromium-6, do đó chúng có thể tồn tại đủ lâu trong nước nhiễm độc để loại bỏ ion kim loại độc hại này ra khỏi nước.

Các nhà khoa học Ấn Độ phát hiện loại vi khuẩn có khả năng lọc nước ô nhiễm thành nước sạch. Ảnh minh họa

VSVM IIT (BHU) thể hiện tốc độ phát triển nhanh trong môi trường nước chứa chromium-6 và dễ dàng tách ra sau quá trình xử lý. Tiến sĩ Vishal Mishra và cộng sự đã kiểm tra cơ chế trong tế bào vi khuẩn. Kết quả phân tích cho thấy một số cơ chế kháng kim loại nặng trong tế bào vi khuẩn được kích hoạt khi chúng phát triển ở môi trường nước nhiễm chromium-6.

Các nhà khoa học thông tin thêm, chi phí lắp đặt hệ thống lọc nước bằng vi khuẩn thấp hơn các dây chuyền hiện đại và những chất hóa học đắt đỏ. Quá trình lọc nước này cũng không gây hại cho môi trường do không sử dụng hóa chất.

Nếu có thể ứng dụng, kỹ thuật lọc nước bằng vi khuẩn sẽ cứu lấy hàng triệu người mỗi năm, khi mà nguồn nước sạch đang ngày một khan hiếm và số người bỏ mạng hàng năm vì dịch bệnh xuất phát từ nguồn nước vẫn lên tới con số hàng triệu. Công nghệ mới có thể cung cấp giải pháp đơn giản và dễ áp dụng đối với những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, nơi nhiều vùng không có nước sạch.

Nguồn: VietQ.vn

Số lượt đọc: 4986

Về trang trước Về đầu trang