Tin KHCN nước ngoài
Phương pháp bảo quản mới giúp thực phẩm tươi lâu hơn và tiết kiệm điện hơn (28/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Các kỹ thuật sư quốc tế mới đây đã thành công phát triển một cách bảo quản thực phẩm mới dựa trên phương pháp bảo quản tạng ghép trong y tế. Phương pháp mới hứa hẹn không chỉ khiến thực phẩm tươi lâu hơn, mà còn giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải ra môi trường.

Theo báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Renewable and Sustainable Energy Reviews, nhà nghiên cứu Bilbao-Sainz, kỹ sư Boris Rubinsky và các cộng sự phát triển kỹ thuật làm lạnh thực phẩm dựa trên phương pháp giữ cho tạng ghép an toàn trong quá trình vận chuyển.

1119_Processing_Isochoricequipment

Roberto Avena-Bustillos (trái) và Cristina Bilbao-Sainz thực hiện thí nghiệm bảo quản thực phẩm tươi bằng phương pháp isochoric freezing

Với tên gọi isochoric freezing, làm lạnh đẳng tích, kỹ thuật này lưu giữ thực phẩm trong một hộp kín làm từ nhựa cứng hoặc kim loại. Hộp được đổ đầy dung dịch (có thể là nước) và đặt trong tủ đá.

Ở phương pháp làm lạnh thông thường, chúng ta để thức ăn tiếp xúc với không khí và đưa toàn bộ khối dinh dưỡng xuống mức nhiệt thấp để đóng đá. Tuy nhiên, phương pháp mới lại không biến thực phẩm thành đá lạnh mà thay vào đó, chỉ 10% thể tích nước trong hộp bị đóng băng, áp lực bên trong hộp đã ngăn nước và thực phẩm đóng đá hoàn toàn.

Single-phase-isochoric-freezing-a-Schematic-of-an-experimental-isochoric-chamber

Mô hình đông lạnh đẳng tích một pha 

“Khả năng tiết kiệm năng lượng tới từ việc không phải đông đá hoàn toàn thức ăn, vốn tiêu tốn rất nhiều điện”, nhà nghiên cứu Bilbao-Sainz nói.

Thức ăn còn nằm trong dung dịch là chúng sẽ không thể bị đông cứng. Điều đó đồng nghĩa với việc những thực phẩm mềm, ví dụ như khoai tây hay trái cây, sẽ không bị nát.

Phương pháp mới hứa hẹn sẽ không chỉ bảo quản được hoa quả tươi hơn mà còn giúp cải thiện chất lượng thực phẩm tốt hơn so với phương pháp làm lạnh truyền thống do hạn chế được lượng vi sinh vật gây hại khiến đồ tươi bị hỏng phát sinh trong quá trình bảo quản.

spinach

Hình ảnh so sánh lá rau chân vịt tươi, lá rau chân vịt bảo quản bằng phương pháp đông lạnh đẳng tích và lá rau chân vịt được bảo quản bằng phương pháp làm lạnh thông thường

Đặc biệt, phương pháp bảo quản thực phẩm tươi mới có thể giúp chúng ta cắt giảm 4,59 tỷ kg khí nhà kính, tương đương với lượng khí thải của 1 triệu ô tô thải ra mỗi năm, đồng thời, có thể cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ hàng năm đi 6,5 tỷ kW.h được sử dụng để bảo quản lạnh thực phẩm tươi sống.

Ngoài ra, phương pháp bảo quản thực phẩm mới cũng hứa hẹn làm giảm đáng kể lượng khí CO2 được thải ra môi trường mỗi năm từ các tủ đông và tủ lạnh.

Nhóm nghiên cứu đang tìm cách đưa phương pháp làm lạnh mới lên quy mô công nghiệp, mong muốn thương mại hóa công nghệ mới sớm nhất có thể.

Phương pháp đông lạnh đẳng tích được phát triển bởi Boris Rubinsky tại Đại học California, Berkeley. Lần đầu tiên ông công bố các nguyên lý nhiệt động lực học của bảo quản lạnh đẳng tích vào năm 2005 trên tạp chí Cryobiology.

Phương pháp này sau đó đã được sử dụng để bảo quản tạng ghép nhờ vào việc có thể loại bỏ sự hình thành băng - nguyên nhân chính ngăn cản sự hồi sinh của quá trình trao đổi chất khiến các cuộc cấy ghép tạng trở nên thất bại.

Vào năm 2017, phương pháp bảo quản lạnh này đã được tác giả hợp tác với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để ứng dụng vào ngành công nghiệp thực phẩm đông lạnh

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 5129

Về trang trước Về đầu trang