Tin KHCN trong nước
Vinh Phúc: Trồng thử nghiệm giống Dâu tây chịu nhiệt F1 Nhật Bản Tochiotome (08/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Giống Dâu tây chịu nhiệt F1 Nhật Bản Tochiotome xuất xứ từ tỉnh Tochigi nổi tiếng với chất lượng hảo hạng. Đây là địa phương trồng dâu tây số 1 ở Nhật Bản và được mệnh danh là vương quốc dâu tây.

 

Dâu tây chịu nhiệt F1 Nhật Bản với nhiều điểm nổi trội đang được rất nhiều người lựa chọn và đánh giá cao về khả năng chịu hạn, năng suất, chất lượng quả… Một số đặc điểm của giống dây tây Nhật Bản Tochiotome: Sinh trưởng và phát triển được ở nhiệt độ lên tới 40 độ C; Ra quả quanh năm; Bắt đầu cho thu hoạch sau 100 ngày gieo trồng, các giống khác có thể phải mất đến 4 - 5 tháng; Cây có tuổi thọ và cho thu hoạch trong suốt 3 năm, nếu chăm sóc tốt có thể kéo dài 7 - 8 năm; Sản lượng trung bình 1 gốc khoảng 1,5 - 2 kg (80 - 120 quả); Quả to, màu đỏ tươi, vị ngọt thanh, căng tròn mọng nước. Mỗi trái dâu nặng khoảng 15 g. Loại dâu này có thể bảo quản dài ngày trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

Tháng 10/2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc tiến hành nhập 250 cây dâu tây chịu nhiệt F1 Nhật Bản Tochiotome từ Đà Lạt, trồng thử nghiệm trong nhà màng tại Trung tâm.

Qua thực tế trồng, chăm sóc tại Trung tâm, cây dâu tây có thể thích nghi được với điều kiện khí hậutỉnh Vĩnh Phúc trong vụ đông. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, từ khi trồng đến tháng 1 năm sau cây bắt đầu cho thu hoạch quả. Đợt đầu thu hoạch, trung bình mỗi cây đâu tây cho thu hoạch từ 2 đến 4 quả.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm ra cây con từ ngó của cây mẹ, trung bình một cây mẹ tách từ 1-2 cây con, khi đầu ngó có phần rễ trắng đâm ra khoảng 0,5cm thì cắm phần rễ vào bầu con, sau khoảng 7-10 ngày khi bộ rễ của ngó phát triển ăn gần kín bầu thì tiến hành cắt ngó. Nếu không nhân giống từ ngó thì nên ngắt bỏ ngó từ khi mới mọc, để cây tập trung ra hoa và nuôi quả. Chỉ nên tách cây con ngó từ cây mẹ dưới 1 năm tuổi thì mới đảm bảo chất lượng giống.

Tuy nhiên cây dâu tây là cây ưa lạnh, sinh trưởng, phát triển tốt ở ngưỡng nhiệt độ từ 18-30oC. Trong thời gian trồng thử nghiệm tại Trung tâm, có nhiều thời điểm nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao nên nhiều cây dâu tây bị chết, cây sinh trưởng, phát triển kém, cây dễ bị bệnh (Bệnh rối loạn sinh lý trên cây khi thời tiết thay đổi đột ngột làm nhị hoa chết có màu nâu, quả bị biến dạng; bệnh do nấm Pythium spp và Fusarium spp, tuyến trùng ...) và đặc biệt quả dâu tây có vị chua hơn so với dâu tây khi trồng ở Đà Lạt. Thời gian bắt đầu sang tháng 3 dương lịch, nhiệt độ cao nên cây dâu tây ít ra hoa, đậu quả kém và cây dâu sinh trưởng, phát triển chậm. Do đó cần phải chú ý chăm sóc cho cây dâu tây nên có lưới đen che nắng, nếu trồng trong nhà màng cần có hệ thống quạt thông gió và bổ sung nước cho cây thường xuyên, cần tưới nước cho cây 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát, tưới đều sao cho đất vừa đủ ẩm, sử dụng các loại nước sạch tránh nguồn nước mương suối dễ gây sâu bệnh, không nên tưới nhiều nước làm đất úng, chết cây và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 4720

Về trang trước Về đầu trang