Tin KHCN trong nước
Viện khoa học sở hữu trí tuệ: Một bước phát triển mới (21/02/2019)
-   +   A-   A+   In  

Sáng ngày 15/2, tại Saigon Innovation Hub, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) phối hợp với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, đã tổ chức lễ khai trương văn phòng phía Nam - Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ và hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ.”

Tham dự Lễ khai trương, có Giáo sư Hoàng Văn Phong – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Văn Tùng -Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM cùng Lãnh đạo Hội Sáng chế Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam; Đại diện Sở hữu công nghiệp; Đại diện Trung tâm Đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp quốc gia Nhật Bản (INPIT) và các doanh nghiệp…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng việc khai trương văn phòng đại diện VIPRI tại TP.HCM đánh dấu một bước phát triển mới của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Văn phòng sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy hoạt động KHCN nói chung cũng như hoạt động SHTT nói riêng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam phát triển.

Trong lễ khai trương, Thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP. HCM được công bố. Theo đó, hai đơn vị sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giảm định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ…. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, trong khuôn khổ hợp tác với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, sự hiện diện của Văn phòng đại diện Viện KHSHTT có ý nghĩa góp phần gia tăng hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại khu vực phía Nam trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, từng bước tạo dấu ấn về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở khu vực này. Vì vậy, “chúng tôi rất vui khi hợp tác cùng Viện VIPRI trong bước phát triển mới của sở hữu trí tuệ tại TP.HCM.”

Sau Lễ khai trương, Viện KHSHTT phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm Quốc gia về đào tạo và thông tin Nhật Bản (INPIT) đã tổ chức hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ” nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; giới thiệu hoạt động nghiên cứu, đào tạo, giám định và định giá về sở hữu trí tuệ cũng như các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, thông tin sở hữu công nghiệp do Viện KHSHTT cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở khu vực phía Nam.

Bà Ayana Shibayaki – Đại diện Trung tâm đào tạo và Thông tin Sở hữu công nghiệp Nhật Bản (INPIT), cho biết: “Doanh nghiệp thường đến với những câu hỏi chung chung, do đó công ty tư vấn cần phải phát triển vấn đề, hỏi thêm về sản phẩm, kế hoạch sản xuất, thương hiệu,… để từ đó có những tư vấn hợp lý về sở hữu trí tuệ.”

Bà nêu ví dụ: ở tỉnh Kagawa – Nhật Bản có doanh nghiệp chuyên kinh doanh tôm được nuôi bằng thức ăn có pha dầu olive, doanh nghiệp mong muốn thương mại hóa sản phẩm này. INPIT đã tư vấn cho doanh nghiệp các bước chứng minh về mặt khoa học, xác lập quyền bảo hộ sản phẩm cho riêng doanh nghiệp Niosansho, đồng thời bảo vệ bí quyết công nghệ. Từ đó, dòng “tôm olive” đã phát triển kinh doanh rất tốt cho đến nay.

Năm 2019, INPIT dự tính sẽ tư vấn hơn 100.000 lượt cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Độ hài lòng của khách hàng tư vấn là 98%. Để làm được điều đó, tổ chức đã có một mạng lưới rất nhiều chuyên gia về nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu, nhưng hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp. Chi phí dành cho các hoạt động của INPIT đa phần được Chính phủ Nhật tài trợ. Tổ chức đã dùng nguồn lực này để chi trả cho các chuyên gia, từ đó tạo sự hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng VIPRI, cho biết thực tế vẫn còn nhiều tình trạng “ăn đong”, về lý luận sở hữu trí tuệ. Do đó phải từng bước khắc phục bằng nghiên cứu, đào tạo, giám định và định giá. Viện VIPRI là cơ quan “tích hợp” các chức năng trên để hỗ trợ cho cộng đồng. Các phương pháp định giá tài sản trí tuệ chính được VIPRI sử dụng bao gồm phương pháp chi phí, phương pháp so sánh và phương pháp thu nhập.

Bên cạnh đó, xét về cơ cấu tài sản trí tuệ thì nhãn hiệu vẫn là dạng tài sản mà các doanh nghiệp hiện đang nắm giữ chủ yếu, trong khi sáng chế là dạng tài sản chưa phổ biến trong cơ cấu tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Cụ thể qua khảo sát các doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2015, sáng chế chỉ chiếm 1,19%, kiểu dáng công nghiệp chiếm 17,61% và nhãn hiệu chiếm tới 81,20% cơ cấu tài sản trí tuệ. Điều đó cho thấy dường như các doanh nghiệp chú trọng tới các sáng tạo trong kinh doanh nhiều hơn so với sáng tạo kỹ thuật, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không phải là công nghệ.

Ông Bùi Tiến Quyết, Trưởng Văn phòng đại diện VIPRI tại TP.HCM cho biết doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu được các thông tin trên trang web của viện, liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, giao diện sàn giao dịch công nghệ của Viện cũng cũng cấp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp có thể tiếp cận các công nghệ mới.

Kết thúc hội thảo, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ và sự giúp đỡ nhiều mặt của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ đối với sự phát triển của Viện Sở hữu trí tuệ. Với sự ra đời của Văn phòng đại diện VIPRI tại TP. HCM, ông tin rằng sẽ có thêm nhiều sự hợp tác tích cực, hiệu quả đến từ các đối tác trong và ngoài nước để phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3867

Về trang trước Về đầu trang