Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Nam (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), trong thực tế, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tại Việt Nam, nhu cầu này phù hợp với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh và phát triển lành mạnh. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu sẽ tạo một thị trường luôn đảm bảo an toàn cho uy tín, chất lượng về bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động thương mại. Tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Do đó, cần cơ chế bảo hộ thực thi hiệu quả để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu và các chủ thể liên quan.
Tại Việt Nam, định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng lần đầu tiên được quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 2 của Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp. Theo đó, “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi”.
Khi Luật SHTT 2005 ra đời, Luật này đã có quy định mới để giới hạn phạm vi nổi tiếng là trên lãnh thổ Việt Nam. Theo khoản 20, Điều 4, Luật SHTT 2005, “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Điều này có nghĩa là dù nổi tiếng như thế nào trên thế giới đi nữa mà người tiêu dùng tại Việt Nam không biết đến thì nó cũng không được xem là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đến năm 2022, nhằm phù hợp với các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên các quy định của công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 có sự thay đổi trong cách xác định đối tượng nhận biết, cụ thể là định nghĩa “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam” (khoản 20 Điều 4).
Ảnh minh hoạ
Ngoài những đặc điểm của nhãn hiệu thông thường là dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, thì nhãn hiệu nổi tiếng sẽ có những đặc điểm khác biệt so với nhãn hiệu thông thường. Đầu tiên, nhãn hiệu nổi tiếng không phải xác lập quyền dựa trên cơ sở thủ tục đăng ký, điều này cho thấy nhãn hiệu nổi tiếng không áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để xác định bảo hộ quyền sở hữu công nhận như những nhãn hiệu thông thường. Thứ hai, nhãn hiệu nổi tiếng không bị giới hạn quyền trong phạm vi nhóm ngành sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký. Đặc điểm này cho thấy, phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhiều so với nhãn hiệu thông thường. Thứ ba, nhãn hiệu nổi tiếng là đối tượng dễ bị xâm phạm bởi tính phổ biến và giá trị thương mại cao.
Với những quy định hiện nay, đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của nước ta còn nhiều khó khăn trong việc xác định bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể, về quy định chứng minh trước khi bảo hộ, Luật SHTT hiện nay là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để hai cơ quan có thẩm quyền là Cục SHTT và Tòa án xác định các tiêu chí để công nhận bảo hộ. Việc chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí này sẽ khiến phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình thực hiện pháp luật. Những quy định công khai đối với các tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng cũng góp phần hạn chế sự cảm tính trong việc công nhận bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của Cục SHTT và Tòa án. Bên cạnh đó, cụm từ người tiêu dùng trong tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng cần được quy định lại để phù hợp với định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay, thống nhất việc sử dụng từ ngữ trong văn bản luật.
Đối với việc đánh giá duy trì sự nổi tiếng trong thời hạn bảo hộ, pháp luật hiện tại chưa có quy định về đánh giá duy trì sự nổi tiếng trong thời hạn bảo hộ. Sau khi một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, cần xây dựng quy trình đánh giá về trạng thái nổi tiếng của nhãn hiệu, cũng như có sự giám sát tình trạng pha loãng nhãn hiệu nổi tiếng.
Quy định về thời hạn bảo đối với nhãn hiệu nổi tiếng cũng chưa được xác định, nên hiểu là bảo hộ vô thời hạn, bảo vệ cho đến khi nhãn hiệu nổi tiếng bị mất bảo hộ hoặc thời hạn bảo hộ sẽ bị hạn chế trong trường hợp nào. Việc công nhận và quản lý nhãn hiệu nổi tiếng một cách công khai cũng nên được quy định cụ thể dưới hình thức là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hay danh mục nhãn hiệu nổi tiếng trên trang thông tin chính thức của Cục SHTT.
Đối với việc đánh giá hủy bảo hộ, việc huỷ bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng mang nhiều ý nghĩa. Một nhãn hiệu nổi tiếng bị huỷ bảo hộ nếu không còn đáp ứng được các tiêu chí xác định về nhãn hiệu nổi tiếng, đây là huỷ bỏ do không đủ điều kiện. Nhãn hiệu nổi tiếng cũng có thể bị huỷ bỏ nếu có hành vi xâm phạm quyền SHTT như có bằng chứng về việc nhãn hiệu nổi tiếng không thuộc sở hữu của chủ sở hữu hiện tại hoặc nhãn hiệu nổi tiếng bị sử dụng với mục đích xấu, đây là huỷ bỏ do vi phạm. Hơn nữa, cần xem xét thêm về các trường hợp huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực bảo hộ trong từng trường hợp cụ thể.
Đối với việc đánh giá bảo hộ lại, nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ ngay khi được công nhận là đáp ứng các tiêu chí theo quy định pháp luật nên việc bảo hộ chỉ diễn ra khi một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng trước đây không còn được công nhận và nay được công nhận trở lại. Cơ chế bảo hộ lại đối với nhãn hiệu nổi tiếng có thể sẽ xuất phát từ những quyết định sai trước đây của cơ quan có thẩm quyền, và việc đánh giá bảo hộ lại nhãn hiệu nổi tiếng như một cách khắc phục những sai phạm đó. Vì vậy, đánh giá bảo hộ lại theo tác giả là một cơ chế đặc biệt trong xây dựng cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, cũng cần xem xét về khoảng thời gian ngừng công nhận để tránh những tranh chấp phát sinh sau này.
Trong mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số trong giai đoạn phát triển tới đây, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là nhu cầu cần thiết được thiết lập ở nước ta. Bên cạnh nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được nhắc đến trong Quyết định số 2205/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 thì nhãn hiệu nổi tiếng với tầm quan trọng của nó cần được quan tâm, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới.