Hợp tác quốc tế
Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về KH&CN (18/10/2018)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác KH&CN trong các lĩnh vực Y tế và Sức khỏe, Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Khoa học bảo tồn, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung đã được thống nhất tại Khóa họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam và Hoa Kỳ (JCM10) diễn ra từ ngày 15-17/10/2018 tại Washington DC.

 

Phiên chính thức JCM10


Khóa họp là hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại mỗi nước. Năm nay, JCM10 diễn ra tại Washington DC, ngoài những hoạt động chính như phiên họp thường kỳ, JCM10 lần này còn bao gồm các hoạt động bên lề như Hội thảo về Ngoại giao khoa học, về Cơ chế hỗ trợ cho khoa học, về Phụ nữ trong khoa học. Những nội dung trao đổi tại các phiên thảo luận đã thể hiện các góc nhìn khác nhau nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ thực hiện những nội dung hợp tác của các Nhóm công tác thuộc JCM10.

 

Phát biểu tại khóa họp của JCM10, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, hai Bên tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Y tế và khoa học sức khỏe, Nông nghiệp và công nghệ sinh học, Khoa học bảo tồn trong một môi trường hướng tới đổi mới sáng tạo cho các mục tiêu phát triển. Những hoạt động này, dù là nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế hay trao đổi về khoa học bảo tồn đều đang có những đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển đất nước của Việt nam. Đặc biệt, những sáng kiến mới của Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được xem xét tại JCM lần này với việc thành lập một Nhóm công tác mới về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp doanh thương (Innovation & Entrepreneurship). 

 

Đại diện phía Hoa Kỳ, bà Judith Garber, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thường trực, phụ trách các vấn đề về Đại dương, Môi trường và Khoa học quốc tế đánh giá cao kết quả đạt được của các Nhóm công tác JCM10 lần này. Bà Judith Garber nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, hai Bên đang hướng tới kỷ niệm 20 năm ký Hiệp định khoa học và công nghệ của hai nước. Trong bối cảnh đó, “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước”.

 

Có thể kể đến các hoạt động nổi bật đã được triển khai từ khóa họp JCM9 đến nay như: Chương trình Bảo vệ Sức khoẻ toàn cầu - Tăng cường các hệ thống giám sát và Trung tâm khẩn cấp; Chương trình dịch tễ học thực địa, Chương trình Giảm thiểu đe dọa sinh học, các hoạt động đào tạo năng lực chuyên môn, dự án nghiên cứu khoa học về phòng chống ung thư trong khuôn khổ Nhóm công tác về Y tế; Chương trình hợp tác nghiên cứu trao đổi đánh giá nguồn gen; Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng vật nuôi có các tính trạng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong các khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong đánh giá và phục hồi thoái hóa đất.
 


 

Lãnh đạo cấp cao và các Trưởng Nhóm công tác hai Bên


Cũng từ phiên họp JCM9 đến nay, hai Bên đã tổ chức thực hiện Chương trình hợp tác đào tạo ngắn hạn, dài hạn, sau đại học về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin về các công nghệ mới như công nghệ chỉnh sửa gen. Hai Bên đã xúc tiến các hoạt động trong lĩnh vực khoa học bảo tồn như tiếp xúc giữa các nhà khoa học hai nước nhằm xúc tiến hợp tác nghiên cứu theo dõi biến động của hệ sinh thái rừng nhiệt đới, thúc đẩy dự án thành lập bảo tàng ở Đại học Cần Thơ nhằm hình thành Sáng kiến nghiên cứu và bảo tồn vùng Hạ Mekong, thăm viếng nhằm xúc tiến hợp tác về thu thập mẫu vật cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại Hoa Kỳ...

 

Với những kết quả đạt được từ khóa họp lần thứ 9, trong khuôn khổ JCM10 lần này (giai đoạn 2019-2020), Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác KH&CN với Việt Nam trong các lĩnh vực Y tế và Sức khỏe, Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Khoa học bảo tồn, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Về Khoa học Y tế và Sức khỏe, hai Bên tiếp tục hợp tác thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu, tăng cường năng lực cho mạng lưới các trung tâm điều hành khẩn cấp, phòng xét nghiệm tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; Đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa và mở rộng chương trình để bao gồm các bệnh không lây nhiễm vào chương trình đào tạo hiện có; Hợp tác nghiên cứu phòng chống các bệnh không lây nhiễm, nghiên cứu về ung thư, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện; Hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine, chuyển giao công nghệ; Hợp tác trong lĩnh vực y tế biển đảo và y học thảm họa. Hai Bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học thông qua đẩy mạnh chức năng điều phối các vấn đề y tế toàn cầu và ngoại giao y tế toàn cầu. 

 

Về Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hai Bên tiếp tục mở rộng hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó ưu tiên các công nghệ mới. Hai Bên cũng ưu tiên hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong chia sẻ đánh giá nguồn gen, nghiên cứu tạo giống cây trồng vật nuôi năng sút chất lượng tốt. Về đào tạo nhân lực hai Bên thúc đẩy chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, trường của Việt Nam tại Hoa Kỳ, đào tạo sau đại học chuyên ngành công nghệ sinh học đồng thời tăng cường sự hợp tác chặt chẽ trong nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 

Về Khoa học bảo tồn, hai Bên thống nhất hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quan trắc rừng nhiệt đới của Việt Nam (bao gồm hình thành cơ sở vật chất nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế, triển khai các khóa học thực đị, quan trắc động vật, thực vật, đất và các bon, liên kết với hệ thống toàn cầu quan trắc hệ sinh thái rừng , hợp tác nghiên cứu và công bố khoa học). Hai Bên chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu độc chất, áp dụng kỹ thuật viễn thám theo dõi môi trường ven biển, hình thành hệ thống quản lý dữ liệu cho vùng Hạ Mekong (bao gồm thu thập, quản lý dữ liệu, phân tích, và phổ biến dựa trên nên tảng Big Data). Ngoài ra, hai Bên sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng các chỉ tiêu tích hợp kinh tế - xã hội và văn hóa - môi trường và kiến thức bản địa trong công tác bảo tồn.

 

Về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp doanh thương, hai Bên tiếp tục xây dựng hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo và học hỏi công nghệ, thiết lập nền tảng học hỏi và nghiên cứu chung, phân tích các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, đẩy mạnh hợp tác về trao đổi và chuyển giao các giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (như xác lập quyền và thực thi luật pháp).

 

Bên lề phiên họp của JCM10 đã diễn ra các hội thảo bàn về Ngoại giao khoa học, Phụ nữ trong khoa học, Cơ chế tài chính cho khoa học đã được tổ chức. Chủ đề Ngoại giao Khoa học là một trong những nội dung trọng tâm được nêu ra trong khóa họp lần này, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các quỹ tài trợ, các doanh nghiệp của Việt Nam và Hoa Kỳ và đại diện một số đại sứ quán khu vực Mê Kong như Thái Lan, Lào, Campuchia… Tại Hội thảo, nhiều nội dung mới về Ngoại giao khoa học đã được các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về lĩnh vực này giới thiệu như tổng quan về ngoại giao khoa học, khoa học để phát triển, ngoại giao dữ liệu, và đặc biệt là ngoại giao khoa học trong kỷ nguyên số hóa. Hai Bên đã thảo luận về các vấn đề như thuận lợi và thách thức của ngoại giao khoa học trong kỷ nguyên số hóa nói chung và trong bối cảnh của các nước khu vực Mê Kong (trong đó có Việt Nam) nói riêng. Nhiều ý kiến đề xuất mang tính gợi mở về các mô hình/cơ chế phát triển Ngoại giao khoa học tại Việt Nam và các nước.

 

Trong phiên thảo luận về Phụ nữ trong khoa học, các diễn giả đã nêu lên những khó khăn và thách thức đối với phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mặc dù phụ nữ đã có nhiều nỗ lực và năng lực suất sắc nhưng họ vẫn chưa được nhìn nhận như nam giới khi tham gia nghiên cứu. Những năm gần đây, việc liên kết các nhà khoa học nữ nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới công nghệ ở trong nước với nước ngoài đã được thúc đẩy thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài.
 


 

Thảo luận giữa Đại sứ Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy,

Phó Trợ lý Ngoại trưởng thường trực Judith Garber

 

Trong phiên thảo luận về Cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động hợp tác về KH&CN, hai Bên đã chia sẻ các thông tin về cơ chế hỗ trợ của mỗi Bên, các cơ hội hợp tác giữa các quỹ, cũng như những kiến nghị và giải pháp thúc đẩy, tìm kiếm các nguồn tài chính khác, không phân biệt khu vực nhà nước hay tư nhân… Tất cả nhằm xây dựng những công cụ hỗ trợ thiết thực về tài chính, biến những mong muốn và đề xuất cụ thể mà hai Bên đã cùng thống nhất thực hiện trong các Nhóm công tác của kỳ JCM10 thành những nhiệm vụ được triển khai trong thời gian tới.   

 

Kết thúc khóa họp JCM10, hai Bên ghi nhận những ý kiến đóng góp tại các phiên thảo luận và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH&CN trong các lĩnh vực đã được thống nhất tại JCM10. Ngay sau khóa họp JCM10, hai Bên sẽ cụ thể hóa các hoạt động hợp tác này thông qua việc xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2020 cho JCM10.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3282

Về trang trước Về đầu trang