Tin KHCN trong nước
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình khoa học (07/05/2018)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 11/4/2018, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự buổi Đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình khoa học. Tham dự buổi Đối thoại có các đ/c: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ; cùng tham dự buổi Đối thoại có đại diện lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và các nhà khoa học đầu ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tổng hợp về những vướng mắc và kiến nghị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học; phát biểu của các nhà khoa học; ý kiến trao đổi, giải đáp từng vấn đề cụ thể của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến kết luận như sau:

1. Trong thời gian qua, từ chủ trương chiến lược của Nhà nước, đến hoạt động quản lý, điều hành của các cán bộ, ngành đều tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học nhưng vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn và khả năng thực hiện, giữa chủ trương chung và quy định cụ thể. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hành động rất thiết thực, hiệu quả; siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; đối thoại để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Đánh giá cao những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học trong khuôn khổ buổi đối thoại cũng như đối với chính sách khoa học và công nghệ nói chung. Hiện nay, cơ chế quản lý khoa học công nghệ có bước đổi mới, nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình khoa học vẫn chưa được giải quyết cơ bản, kinh phí đầu tư chưa được sử dụng hiệu quả, chưa đến được những đơn vị, nhà khoa học có năng lực thực sự.

2. Để tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc nói trên, các bộ, cơ quan cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
a) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Rà soát lại toàn bộ cơ chế hoạt động liên quan đến quyền tự chủ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học. Xác định đây là nhiệm vụ cốt lõi, trước hết phải bảo đảm tự chủ về chuyên môn, học thuật, từ đó có tự chủ về bộ máy tổ chức, biên chế, tài chính của mỗi Viện Hàn lâm; đề xuất các cơ chế, chính sách cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện (cơ chế cấp ngân sách, định mức chi, đấu thầu thiết bị đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ khoa học...). Kiến nghị các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo thẩm quyền quy định.
b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan, tổng hợp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục trong các khâu đề xuất, xét duyệt, thực hiện, đánh giá, nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tinh thần:
- Đổi mới phương thức cấp ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tăng cường thực hiện việc bố trí kinh phí nghiên cứu khoa học theo cơ chế quỹ. Có cơ chế, giải pháp cho phép các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ chủ động đăng ký bổ sung nhiệm vụ, đề tài cấp thiết theo yêu cầu tình hình mới. Chủ nhiệm đề tài được quyền lựa chọn, ký hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học không thuộc các cơ sở khoa học của nhà nước.
- Công khai minh bạch mọi khâu liên quan đến nghiên cứu khoa học và công nghệ. Quá trình thẩm định, bỏ phiếu đánh giá thuyết minh và kết quả đề tài từ khâu đăng ký đến nghiệm thu, công bố kết quả đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần được cộng đồng khoa học tham gia góp ý, đánh giá, phản biện.
- Kết nối cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và quốc tế để các nhà khoa học tiết kiệm thời gian, công sức, tránh trùng lặp trong nghiên cứu, giải quyết những vấn đề đã được nghiên cứu, công bố hoặc chỉ cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
c) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, làm đầu mối phối hợp với các bộ chuyên ngành, tổng hợp, đề xuất xử lý các bất cập, vướng mắc liên quan đến định mức kỹ thuật, đơn giá, ngày công khi thực hiện các đề tài khoa học để sớm có văn bản điều chỉnh. Trong đó, làm rõ từng điểm, đề xuất giải pháp sửa đổi từng vấn đề cụ thể đối với mỗi thông tư, quy định có liên quan của các bộ, ngành. Những điểm, những quy định đã đúng nhưng các cơ quan, nhà khoa học hiểu chưa đúng, chưa rõ, yêu cầu các bộ chuyên ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn thống nhất thực hiện.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất đối với kiến nghị về cơ chế sở hữu trí tuệ, xử lý tài sản hình thành trong quá trình hoạt động khoa học nhằm ưu tiên sử dụng cho phát triển khoa học, trực tiếp là cho đơn vị chủ trì nghiên cứu hình thành kết quả khoa học, tài sản đó.

3. Ghi nhận các nội dung đề xuất kiến nghị liên quan tới chương trình nghiên cứu khoa học biển, biên chế cán bộ khoa học,... Đề nghị các cơ quan đề xuất, kiến nghị rõ những vấn đề đặc thù để sớm tổ chức họp chuyên đề riêng nhằm xử lý, tháo gỡ cụ thể.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4411

Về trang trước Về đầu trang