Tin KHCN trong nước
Công nghệ giám sát giúp minh bạch việc thu tác quyền âm nhạc (19/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Một trong những điểm mấu chốt khiến việc thu phí bản quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam còn gặp nhiều tranh cãi là yêu cầu về sự minh bạch khi thu.

Với công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc trên truyền hình và radio mà Công ty cổ phần giải pháp công nghệ và truyền thông AiBiz phát triển, vấn đề này có thể được giải quyết.
 
Thống kê chi tiết ngày, giờ, địa điểm
 
Rất nhiều ý kiến cho rằng để thu được phí bản quyền tác giả âm nhạc trên tivi, việc đầu tiên là phải rà soát được số tác phẩm được phát trên từng kênh - một công việc vô cùng tốn thời gian, công sức và dễ sai sót nếu làm thủ công. Công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc mà AiBiz phát triển hướng tới giải bài toán này. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị AiBiz Đặng Đình Long, đây thực chất là một tập hợp nhiều giải pháp công nghệ đan xen.
 

Ảnh chụp màn hình phần mềm công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc trên tivi và radio của AiBiz. Ảnh: Hiền Thảo

Ảnh chụp màn hình phần mềm công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc trên tivi và radio của AiBiz.
 
“Đầu tiên, chúng tôi thu thập dữ liệu đầu vào là các chương trình phát sóng trên khoảng 90 kênh của các đài truyền hình tại Việt Nam (lọc bỏ những kênh chuyên phát các thể loại không liên quan tới nhạc), cứ 5 phút/đoạn thu, đưa vào một phần mềm chuyên biệt. Hệ thống thu thập dữ liệu hoạt động 24/24h và có thể điều khiển từ xa qua hệ thống tin nhắn tới điện thoại kỹ thuật viên. Sau đó, nhờ bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tự động nhận diện những đoạn video có phát nhạc và đánh dấu để chương trình nhận diện tự động và kỹ thuật viên dễ nhận biết” - ông Long nói.
 
Tiếp theo, với từng bài hát, đoạn nhạc được phát sóng, hệ thống tự động chia thành nhiều đoạn nhỏ 5 giây. Nhờ công nghệ auto-matching (tự động tìm kiếm, đối chiếu âm thanh), chúng được so sánh với cơ sở dữ liệu của Aibiz. Trường hợp tác phẩm trên truyền hình hoặc radio trùng khớp trên 95%, máy sẽ tự động ghi nhận toàn bộ thông tin như tên bài hát, chương trình, tác giả, ca sỹ...
 
Nếu sai số tới 5%, hệ thống sẽ gửi lại, yêu cầu kỹ thuật viên mô tả thông tin (giai điệu, tên bài hát, ca sỹ, tác giả...) và cắt mẫu đưa vào cơ sở dữ liệu với tư cách một mẫu mới. Như vậy, với một bài hát, đoạn nhạc, sau khi sử dụng hệ thống này, chúng ta sẽ có thông tin phục vụ cho việc thu phí bản quyền.
 
“Hiện tại, ngoài hơn 70.000 bài hát trong nước và quốc tế mà chúng tôi ghi lại trước đó dùng làm dữ liệu mẫu trong kho để đối chiếu, chúng tôi còn có 35.000 bài hát có bản quyền do Công ty Skymusic thuộc kênh nghe nhạc Nhaccuatui.com cung cấp” - ông Long chia sẻ.
 
Là một trong những người đầu tiên tiếp cận công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc của AiBiz, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) - tỏ ra rất phấn khởi.
 
“APPA mới được thành lập được 18 tháng. Chúng tôi đang loay hoay trong việc tìm ra một giải pháp để thu tiền bản quyền một cách chính xác và trả tiền, bảo vệ quyền cho các nghệ sỹ được tối ưu, đồng thời đáp ứng được yêu cầu minh bạch, chính xác, cụ thể với từng sản phẩm của nghệ sỹ. Chính vì thế, khi được biết AiBiz triển khai công nghệ rất phù hợp, APPA vô cùng phấn khởi. APPA sẽ mua hoặc sử dụng dữ liệu về các chương trình phát sóng để biết chính xác bài hát được sử dụng ở kênh nào, ngày giờ nào, bao nhiêu người xem, ai hát... một cách cụ thể, chi tiết. Đây là điều mơ ước của APPA cũng như của tất cả những đơn vị quản lý bảo vệ quyền tập thể cho nghệ sỹ” - nghệ sỹ Thanh Hoa nói.
Theo bà, công nghệ này khi được ứng dụng rộng rãi sẽ tạo ra sự tin tưởng trong xã hội: “Người trả tiền tin tưởng rằng mình trả cho đúng tác phẩm mà họ sử dụng. Người nghệ sỹ cũng tin tưởng rằng mình được trả đầy đủ, chính xác cho sức lao động mà mình đã bỏ ra. Đặc biệt, bên đứng ra đại diện cho nghệ sỹ thu tiền tác quyền cũng yên tâm rằng mình đã thu được chính xác, đầy đủ, đã bảo vệ được quyền lợi của nghệ sỹ một cách hoàn thiện nhất” - nghệ sỹ Thanh Hoa giải thích.
 
Ngoài lợi ích với nghệ sỹ, tổ chức và cá nhân bảo vệ quyền lợi cho nghệ sỹ, công nghệ này còn giúp cung cấp nguồn số liệu tin cậy để các bên liên quan đến việc sản xuất, phân phối và sử dụng tác phẩm, hình ảnh nghệ sỹ có cơ sở ra quyết định thích hợp; giúp các nhà tổ chức biểu diễn và giới sản xuất, nhạc sỹ, ca sỹ... truyền thông, làm gia tăng giá trị show diễn hoặc giá trị quảng cáo, thông tin cho nhà quảng cáo về mức độ ảnh hưởng của nghệ sỹ với khán giả truyền hình.
 
“Công nghệ mới giúp gia tăng nguồn thu cho các nhạc sỹ, ca sỹ và nghệ sỹ nói chung nhằm tái đầu tưcho các hoạt động sáng tạo và sống được bằng nghề của mình, góp phần thúc đẩy sự hình thành một thị trường âm nhạc và biểu diễn minh bạch hơn ở Việt Nam” - ông Long nói

Nguồn: KH&PT

Số lượt đọc: 4136

Về trang trước Về đầu trang