Tin KHCN trong nước
Chế tạo mô hình tàu ngầm Kilo điều khiển từ xa (07/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Tàu mô hình hoạt động theo nguyên lý lặn tĩnh (lặn khi tàu đứng yên) và có thể tháo, lắp để bảo trì

Kỹ sư công nghệ thông tin Lê Quốc Tuấn (43 tuổi) trú tại xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng). Vì đam mê tàu, anh tự học và nghiên cứu công nghệ chế tạo cả trăm tàu thủy mô hình điều khiển từ xa giống như thật.

 

Trước khi chuyển sang chơi và làm tàu mô hình, anh vốn nghiền tàu lượn. Trong chuyến công tác vào TP HCM, tình cờ bắt gặp nhóm người chơi tàu thủy mô hình điều khiển trên sông, thấy thú vị, anh quay sang tìm hiểu công nghệ chế tạo tàu.

 

Cái khó đối với anh Tuấn là phải tích hợp kiến thức của nhiều ngành với đủ vai, từ công nhân hàn, tiện, sơn đến cơ khí chính xác, điện tử, tin học… Đặc biệt, tàu mô hình điều khiển đòi hỏi các chi tiết quan trọng giống tàu thật từ: mỏ neo, ống khói, cần cẩu, vòi rồng... và phải hoạt động được.

 

Trước yêu cầu ngày một cao của người chơi, anh Tuấn quyết định chế tạo máy in 3D và máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính (máy CNC) thay vì bỏ tiền ra mua mới. Toàn bộ vật liệu và thiết bị dùng để chế tạo 2 chiếc máy này được anh tìm mua ở chợ đồ cũ.

 

Duy nhất các mũi khoan, cắt lắp trên máy CNC dùng cho việc chế tạo các vi mạch, bo mạch anh Tuấn mua mới của Nhật Bản với giá hơn một triệu đồng/mũi.

 

Các chi tiết trên tàu thủy mô hình được anh Tuấn tạo ra từ máy in công nghệ 3D với độ chính xác cao.

 

Nắm chắc công nghệ, làm chủ trang thiết bị, giờ đây mỗi sản phẩm tàu có chiều dài trung bình 1,2-1,5m, nặng 15-20 kg được anh hoàn thành trong một tháng. Giá trị mỗi chiếc 15-20 triệu đồng (rẻ bằng 1/4 so với tàu mô hình nhập từ nước ngoài).

 

 

Anh Tuấn cho biết, đã chế tạo thành công gần trăm chiếc. Trong số Cao đẳng nghề thủy sản Hải Phòng đặt một tàu cá lưới vây và Học viện Quân sự Nha Trang đặt một tàu quân sự làm mô hình dạy học. (Trong ảnh, anh Tuấn trao sản phẩm tàu mô hình cho một khách hàng cá nhân là sĩ quan hải quân ở Nha Trang).

 

 

Đây là tàu ngầm Kilo 636, mô hình khó nhất anh Tuấn đã thực hiện theo đơn đặt hàng của khách ở tỉnh Phú Thọ vào năm 2014. "Họ yêu cầu tôi làm theo nguyên lý lặn tĩnh (tàu sẽ lặn khi đứng yên). Để nó nổi lên lặn xuống, tôi phải thiết kế bộ hút, đẩy nước theo kiểu pit tông. Tàu ngầm này có thể tháo, lắp để bảo trì. Sau 3 tháng, tôi hoàn thành tàu, khách rất ưng ý”, anh Tuấn nói và cho biết đang nghiên cứu, hoàn thiện một thiết bị đặc biệt ứng dụng trong ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và đánh bắt thủy sản. Khi thử nghiệm thành công, anh sẽ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3473

Về trang trước Về đầu trang