Tin KHCN trong nước
Chế phẩm axit béo đa nối đôi (n3-PUFA) từ nguyên liệu tự nhiên bổ sung vào thức ăn ương nuôi thủy sản (10/09/2018)
-   +   A-   A+   In  

Trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam có những bước đột phá vô cùng lớn cả về chất và lượng. Ban đầu, từ những mô hình nuôi trồng thủy hải sản theo kiểu quảng canh, đi dần lên theo hướng bán thâm canh và hiện nay là mô hình thâm canh năng suất cao, từ đó đưa Việt Nam thành một trong 10 nước có sản lượng cá nuôi lớn nhất thế giới Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Băngladesh... 

Để đạt được thành tựu phát triển của mô hình thâm canh năng suất cao hiện nay là do sự đóng góp cực kỳ to lớn của ngành công nghệ sinh học trong thủy sản ở hầu hết các công đoạn, từ giống, kiểm soát môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các loại thức ăn.

 

Cùng với sự phát triển của nuôi trồng thuỷ sản, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển nhảy vọt. Trong 15 năm gần đây tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 13-15%/năm. Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn trong nước cũng gặp phải không ít khó khăn do có đến 60% nguyên liệu phải nhập ngoại như: ngô, đậu tương, mỳ, mạch, bột cá... Trong nước chưa sản xuất được các loại thức ăn bổ sung như: lyzin, methionin, vitamin, khoáng vô cơ, hữu cơ, chất chống oxy hoá, men tiêu hoá, kháng sinh, chế phẩm sinh học... Vì vậy giá thức ăn sản xuất ra còn cao, cao hơn các nước trong khu vực và thế giới từ 15-20%.

 

Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc chỉ bổ sung các axit béo họ ω-3 vào thức ăn cho cá sẽ không có hiệu quả cao, đôi khi còn làm rối loạn các quá trình sinh lý trong cơ thể cá, mà trong quá trình bổ sung còn cần phải tính đến cả các axit ω-6 để đạt hiệu quả cao nhất. Tỉ lệ ω-3/ω-6 trong thức ăn cho cá thay đổi theo từng giai đoạn phát triển ở từng loài…

 

Ở Việt Nam, mặc dù có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng công nghệ sản xuất không đạt yêu cầu, sản phầm này chỉ được chiết và bán thô cho nước ngoài và một phần nhỏ làm thức ăn. Hiện nay, đa phần các loại dầu béo bổ sung cho cá đều phải nhập khẩu từ một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Chi lê, Thái Lan… Các loại dầu béo này khi được nhập khẩu, chúng ta mới chỉ kiểm soát được các thành phần dinh dưỡng là chính, trong khi đó các thành phần độc tố thì hầu như không kiểm soát được. Do đó việc tự chủ nghiên cứu và sản xuất PUFA từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên ở Việt Nam, ngoài yếu tố tiết kiệm ngoại tệ, nâng cao sức sản xuất trong nước còn là vấn đề đảm bảo hệ số an toàn cao cho ngành nuôi trồng thủy hải sản ở nước ta.

 

Trong các nghiên cứu tạo chế phẩm giàu hoạt chất ω-3, ω-6 ở Việt Nam hiện nay đa phần sử dụng các phương pháp hóa học thông thường hay phương pháp ép nhiệt. Các phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, thuận tiện, tuy nhiên chúng đòi hỏi phải sử dụng một lượng lớn các loại dung môi, hóa chất, đồng thời tốn nhiều thời gian cho mỗi chu trình sản xuất, chất lượng sản phẩm không tốt do các axit béo đa nối đôi bị 2 biến đổi trong quá trình sản xuất. Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của ngành công nghệ sinh học, việc sử dụng kết hợp giữa phương pháp hóa học hiện đại và công nghệ enzyme sẽ giải quyết tốt vấn đề này. Đây là hướng triển khai mới và đầy triển vọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tác động tích cực về mặt xã hội, môi trường.

 

Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Tất Thành cùng thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tạo chế phẩm axit béo đa nối đôi (n3-PUFA) từ nguyên liệu tự nhiên bổ sung vào thức ăn ương nuôi một số đối tượng cá biển” với mục tiêu Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo được chế phẩm giàu axit béo đa nối đôi (PUFA) từ nguyên liệu tự nhiên và Thử nghiệm bổ sung chế phẩm PUFA vào thức ăn nuôi giống một số đối tượng cá biển chủ lực (cá chẽm, cá song, cá giò).

 

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

 

+ Đã hoàn thành 01 bộ cơ sở dữ liệu nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình nghiên cứu và sản xuất của đề tài. Trong đó, xác định được nguồn nguyên liệu là đầu 3 loài cá ngừ lớn (cá ngừ Vây vàng, Mắt to, Bò) với hàm lượng lipit 11,7 - 14,8% và hệ số đánh giá lựa chọn cho việc sản xuất lần lượt là 341,87 (cá ngừ Bò); 523,18 (cá ngừ Mắt to) và 558,34 (cá ngừ Vây vàng).

 

+ Đã sản xuất được 221,5kg chế phẩm PUFA giàu omega 3 bằng công nghệ enzyme phục vụ nuôi thử nghiệm các đối tượng cá chẽm, cá song, cá giò ở giai đoạn cá bột lên hương và cá hương lên giống.

 

+ Đã hoàn thiện 02 quy trình có ý nghĩa khoa học, phù hợp với thiết bị và điều kiện sản xuất thực tế ở Việt Nam gồm:

 

- Quy trình công nghệ sản xuất PUFA giàu omega 3 từ nguồn nguyên liệu tự nhiên quy mô 80kg nguyên liệu/mẻ.

 

- Quy trình phối trộn bổ sung PUFA vào thức ăn giai đoạn nuôi cá chẽm, cá song, cá giò.

 

+ Đã hoàn thiện 01 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm PUFA-VN theo công thức tỉ lệ ω-3/ ω6 là 2/1 và đánh giá hiệu quả sản xuất sản phẩm. Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy sản phẩm có chất lượng tương đương và giá thành rẻ hơn khoảng 30-50% so với sản phẩm ngoại nhập thông dụng hiện nay là DHA Selco.

 

+ Đã tiến hành nghiên cứu phối trộn các dầu ω-3 và ω-6 theo các tỉ lệ khác nhau và khảo nghiệm trên đối tượng là các loài cá biển nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao ở giai đoạn ương nuôi: cá chẽm, cá song, cá giò.

 

+ Đã công bố 03 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước có phản biện và tham gia đào tạo 01 nghiên cứu sinh, 02 thạc sĩ và 04 cử nhân..

Nguồn: Vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2340

Về trang trước Về đầu trang