Những “điểm nóng” khó quan sát này xuất hiện do tình trạng viêm dưới da phát triển khi máu lưu thông giảm và da bị thiếu lượng oxy cần thiết, làm tăng nguy cơ vết loét không lành lại được.
Bệnh nhân đứng trên tấm thảm tại nhà trong 20 giây mỗi ngày. Nếu thảm không phát hiện được sự thay đổi nhiệt độ trên da, tín hiệu đèn xanh sẽ nhấp nháy. Sau đó, dữ liệu nhiệt độ sẽ tự động được truyền qua kết nối không dây đến bác sĩ điều trị.
Nếu thảm phát hiện sự thay đổi mạnh nhiệt độ trên da, thậm chí ở một vị trí nhỏ, tín hiệu đèn nhấp nháy đỏ xuất hiện và trong vài phút bác sĩ điều trị sẽ biết được thông tin và đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân.
Trong số 10 bệnh nhân tiểu đường, ít nhất 1 người có hiện tượng máu lưu thông kém ở chân và bàn chân vì lượng đường huyết làm dày thành của các mao mạch (mạch máu nhỏ). Vì thế, một vết cắt dù nhỏ nhất cũng có thể phát triển thành vết thương hở, vì khi máu lưu thông chậm, vùng da tổn thương bị thiếu máu chứa nhiều oxy và tế bào miễn dịch cần thiết để phục hồi.
Những vết thương này thường mở rộng hơn vì vi khuẩn tiêu thụ đường xuất hiện nhiều hơn. Sau đó, chúng phát triển và phá vỡ mô lành xung quanh. Rủi ro tăng lên bởi thực tế bệnh nhân tiểu đường thường bị tổn thương thần kinh ở chân, nên họ ít cảm thấy đau và không nhận thức được bản thân đang bị những tổn thương nhẹ cho đến khi vêt thương bị nhiễm trùng và rất khó chữa. 40% vết loét của bệnh nhân tiểu đường phải mất ít nhất 3 tháng để hồi phục và khoảng 14% trường hợp vết thương vẫn còn tồn tại sau 1 năm.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Arizona đã công bố một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Diabetes Care, sau khi theo dõi 129 bệnh nhân trong 34 tuần. Kết quả là tấm thảm do Công ty Podimetrics của Hoa Kỳ chế tạo, đã phát hiện ra 97% vết loét ở chân ít nhất 5 tuần trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tấm thảm có thể được sử dụng rộng rãi trong vòng 2-3 năm tới nếu những thử nghiệm tiếp theo cũng cho độ chính xác tương tự.