Tin KHCN trong nước
Huy động nguồn lực cho vùng Tây Nam bộ (21/04/2017)
-   +   A-   A+   In  

Liên kết vùng; nâng cao chuỗi giá trị nông - thủy hải sản; chống xói lở, hạn hán - xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu…  là những vấn đề nội tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đòi hỏi các ngành chức năng, nhà khoa học phải có giải pháp cấp thiết khắc phục. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình Khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (sau đây gọi tắt là Chương trình Tây Nam bộ). 

Kết quả bước đầu

 

Đánh giá sau 3 năm triển khai Chương trình Tây Nam bộ, ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc chương trình, cho biết đã có hàng chục nhiệm vụ KH-CN được các tổ chức, viện trường đề xuất và được phép triển khai, thuộc hai mảng Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Môi trường và Khoa học xã hội, Nhân văn - Phát triển bền vững, với nguồn kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Đó đều là những nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu thực tế của vùng ĐBSCL; một số nhiệm vụ đã có kết quả tốt và sẽ được đưa vào áp dụng, nhân rộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Điển hình như việc hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý hiệu quả diễn biến tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai; xây dựng các giải pháp công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế cao để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất lúa gạo theo định hướng sản xuất năng lượng sạch; nghiên cứu, thiết kế bộ kit sinh học có thể thương mại hóa dùng đánh giá độc tính, quan trắc chất lượng nước vùng Tây Nam bộ…

Sản phẩm bê tông chắn sóng của Công ty Busadco được ứng dụng để chống xói lở cho vùng ĐBSCL

Sản phẩm bê tông chắn sóng của Công ty Busadco được ứng dụng để chống xói lở cho vùng ĐBSCL

Điểm nhấn cho giai đoạn đầu của chương trình, theo Phó Trưởng ban KH-CN Đại học Quốc gia TPHCM Từ Diệp Công Thành, là hợp tác cùng Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện đối ứng dự án Catch Mê Công: “Nghiên cứu đề xuất chiến lược và giải pháp quản lý bền vững tài nguyên nước mặt lưu vực ĐBSCL có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sử dụng nước phía thượng lưu”. Kết quả là tiền đề hình thành trung tâm thông tin cơ sở dữ liệu của vùng trong tương lai.

 

Trong năm 2017, theo ông Từ Diệp Công Thành, tiếp tục đề xuất 13 nhiệm vụ giải quyết các vấn đề trọng tâm của vùng; cùng với Ban chỉ đạo Chương trình Tây Nam bộ đẩy mạnh đặt hàng, xét chọn thêm 8 nhiệm vụ KH-CN từ các tổ chức, viện - trường. Trong đó, lần đầu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) tư nhân là Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), với nhiệm vụ “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu”.

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ KH-CN và Môi trường (Bộ Xây dựng), nêu vấn đề: “Đã có nhiều đề tài nghiên cứu rồi cất vào thư viện; thậm chí có những đề tài đề xuất không được duyệt ở chương trình này, nhưng chỉ cần chỉnh sửa tên là được đề cử ở chương trình khác. Vì vậy, các nhiệm vụ đặt ra trước tiên phải hướng đến phục vụ chỉ riêng cho ĐBSCL, tiếp đó phải đi từ thực tế của đời sống xã hội, từ những nhu cầu bức thiết của người dân và DN trong vùng”.

 

Khai thác nguồn lực tại chỗ

 

Nêu ý kiến tại hội thảo “Phương thức đặt hàng, tuyển chọn, triển khai và huy động các nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng kết quả các nhiệm vụ KH-CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thể Hà, Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ, cho rằng các nghiên cứu khoa học cho ĐBSCL đang không sát thực tế, thiếu sự tham gia từ các DN trong vùng. Ông Hà dẫn chứng: “Rơm tại ĐBSCL hiện có giá 700 - 800 đồng/kg. Nếu được cuốn lại thành cuộn giá 1.800 - 2.000 đồng/kg, ép lại thành bánh là 2.500 đồng/kg, trở thành thức ăn gia súc đến 8.000 đồng/kg. ĐBSCL có 10 triệu tấn rơm, nếu tính ra tiền là hàng chục ngàn tỷ đồng… Nhưng nguồn lực đó đang bị bỏ phí. Vậy nhưng, khi chúng tôi đề xuất nghiên cứu chế tạo máy để tận dụng phụ phẩm này thì chẳng nhận được sự hỗ trợ của bộ, ngành nào”. Ông Hà kiến nghị Chương trình Tây Nam bộ nên chọn những đề tài mà DN đang triển khai để có tính kế thừa, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nghiên cứu. DN và Nhà nước có thể góp vốn 50 - 50 để cùng thực hiện những đề tài này và nên chọn các DN trong vùng để thực hiện.

 

Ông Phạm Ngọc Minh thừa nhận thực tế vùng ĐBSCL có nhiều nhà khoa học có kiến thức sâu rộng, tầm vóc quốc gia và cả quốc tế. Thế nhưng, các đề tài khoa học phục vụ cho vùng này lại có rất ít nhà khoa học trong vùng tham gia. Mục tiêu đặt ra cho chương trình thời gian tới là thu hút được đối tượng này để phát huy nguồn tri thức bản địa.

 Theo chuyên gia nông nghiệp - Giáo sư Võ Tòng Xuân, Chương trình Tây Nam bộ cần thay đổi mục tiêu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới; các đề tài KH-CN được xây dựng phải đáp ứng nhu cầu thực tế của vùng, như nuôi tôm, trồng cây ăn trái như thế nào để đạt chất lượng, sản lượng cao. Qua đó, nông dân, DN có điều kiện áp dụng để sản phẩm tốt có thương hiệu. “Việc tuyển chọn các đề tài cũng như người triển khai cần phải công khai, minh bạch và có địa chỉ áp dụng cụ thể, nhằm tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi để đó”, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đề xuất.

 

Nguồn: SGGP

Số lượt đọc: 4483

Về trang trước Về đầu trang