Tin KHCN trong nước
Năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN nhỏ và vừa Việt Nam (17/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc tế đã tiến hành khảo sát năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam. Cuộc khảo sát được tiến hành trên phạm vi cả nước với 5 nhóm DN trong các ngành: sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, công nghệ thông tin, y tế - dược phẩm - khoa học sự sống, dịch vụ. 

hóm nghiên cứu đã phát ra hơn 600 bảng hỏi đối với các DN thuộc 5 nhóm đối tượng nêu trên và thu về được 262 bản hợp lệ. Kết quả khảo sát cho thấy, năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các DN vừa và nhỏ Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân cả về năng lực tự thân và những hỗ trợ cần có từ phía Nhà nước, nhất là về nguồn lực công nghệ, tài chính và lao động...

Đặc điểm của các DN được khảo sát

Về quy mô vốn

100% DN dịch vụ có quy mô vốn nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng; 88,2% DN y tế - dược phẩm - khoa học sự sống có quy mô vốn nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng, chỉ có 11,8% có vốn trên 10 tỷ đồng đến nhỏ hơn 50 tỷ đồng. Trong số 56 doanh công nghệ thông tin, có tới 71,4% số DN có số vốn nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng, chỉ có 28,6% là có quy mô vốn trong khoảng trên 10 đến 50 tỷ đồng. Các DN nông lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng cũng phần lớn có quy mô vốn là nhỏ hơn hoặc bằng 20 tỷ (87,1%).

Về quy mô lao động

Kết quả khảo sát cho thấy, không có DN khảo sát nào trả lời có quy mô trên 200 đến 300 lao động, số DN siêu nhỏ (nhỏ hơn hoặc bằng 10 người) và trên 10 đến 200 lao động lần lượt có tỷ lệ là 40% và 60%. Trong các DN thuộc nhóm dịch vụ, công nghệ thông tin, y tế - dược phẩm - khoa học sự sống có hơn 50% số DN có quy mô lao động trong khoảng trên 10 đến 50 người, quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ là 41,7% và quy mô trên 50 người đến 100 người chỉ có 6,8%. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin có 33,9% số DN có quy mô lao động siêu nhỏ, 62,5% có quy mô lao động trên 10 đến 50 người, quy mô trên 50 đến 100 người chỉ có 3,6%. Với lĩnh vực dịch vụ, hơn 64% DN khảo sát cho biết có quy mô siêu nhỏ. Các DN nông lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng có quy mô lao động trong khoảng trên 10 đến 200 người chiếm 78,5%, siêu nhỏ có 15,5% và quy mô trên 200 đến 300 lao động có 6%.

Về trình độ học vấn

Lao động của các DN có trình độ đại học/cao đẳng chiếm 35,4%, trình độ trung cấp/THPT là 27% và được đào tạo kỹ thuật hoặc tay nghề là 25,2%, sau đại học là 5,4%, chỉ tốt nghiệp THCS là 4,3% và lao động không được đi học chiếm 2,7%. Lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực y tế - dược phẩm - khoa học sự sống là 2 ngành có nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo từ trình độ đại học/cao đẳng trở lên nhiều hơn các ngành còn lại. Cụ thể các DN thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có tới 84,9% nhân lực có trình độ đại học/cao đẳng và sau đại học, lĩnh vực y tế - dược phẩm - khoa học sự sống có gần 50% nhân lực có trình độ đại học/cao đẳng và sau đại học.

Kết quả khảo sát về nhân lực theo trình độ học vấn của các DN chỉ ra rằng, DN cũng có nguồn nhân lực ở bậc sau đại học (tiến sỹ và thạc sỹ), song số lượng không lớn, phần lớn là đại học và cao đẳng; trung cấp. Đối với một số DN thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế - dược phẩm - khoa học sự sống thì nguồn nhân lực của họ phần lớn là ở trình độ đại học/cao đẳng và sau đại học.

Về tay nghề

Các DN có nguồn nhân lực với trình độ tay nghề lao động thuộc nhóm bậc trung (bậc 3, 4 và 5) là cao nhất, với tổng số hơn 76% lao động thuộc nhóm này, trong đó bậc 4 chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,3%. Tỷ lệ tay nghề bậc cao (bậc 6 và bậc 7) chiếm hơn 17%. Trình độ tay nghề của lao động trong các DN thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là cao nhất: thợ ở các bậc thấp (bậc 1-3) rất ít, mà chỉ có ở nhóm bậc trung (bậc 4 và 5) và bậc cao (bậc 6 và 7) lần lượt với tỷ lệ 10, 60, 20 và 10%. Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nguồn nhân lực của họ có tay nghề từ bậc thấp nhất (bậc 1) đến bậc cao nhất (bậc 7), song phần lớn tập trung ở bậc 4 (39,4%), bậc 3 (23,8%) và bậc 5 (20,2%). Sau đó đến lĩnh vực dịch vụ, nguồn nhân lực của các DN trong lĩnh vực này có từ bậc 2 tới bậc 7, tập trung nhiều nhất là ở các bậc 4 và bậc 5 (cùng chiếm 25,8%), tiếp theo là bậc 2 với 20,7%. Riêng 2 lĩnh vực nông lâm - thủy sản và y tế - dược phẩm - khoa học sự sống thì 100% tay nghề chỉ đạt bậc 2.

Kết quả này cho thấy, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay rất thiếu nguồn nhân lực có tay nghề bậc cao, thậm chí là bậc trung, đặc biệt ở các lĩnh vực y tế - dược phẩm - khoa học sự sống và nông lâm - thủy sản. Chỉ có khu vực công nghiệp - xây dựng là phần nào đáp ứng được yêu cầu tay nghề thợ ở mức trung bình.

Tình hình tài chính và những rào cản trong tiếp cận vốn tín dụng

Kết quả khảo sát cho thấy, không phải tất cả các DN đều nhận được các loại hỗ trợ/ưu đãi tài chính từ Nhà nước; hoặc các ưu đãi/hỗ trợ này phần lớn đều bị đánh giá là “chưa được tốt”, trừ ở mục ưu đãi/hỗ trợ về “phát triển thị trường và dịch vụ tư vấn” và “xuất nhập khẩu” có dưới 50% DN đánh giá ở mức độ “có nhưng chưa tốt”. Đặc biệt, 3 nhóm hỗ trợ/ưu đãi tài chính bị DN đánh giá thấp nhất lần lượt là: thuế (65,2%); áp dụng KH&CN (63,3%) và đào tạo lao động (62,1%).

Đơn vị tính: %

Biểu đồ 1: đánh giá của DN về mức độ của 7 hỗ trợ/ưu đãi nhận được

Về tiếp cận vốn tín dụng, các DN đều phàn nàn về các nguyên nhân gây hạn chế tiếp cận vốn tín dụng, cao nhất với 44% số DN khẳng định đó là “lãi suất cao”, tiếp đến là “thủ tục phiền hà” (100/262 phiếu). Đáng lưu ý là, nhóm nguyên nhân “phải trả thêm phụ phí” và “thiếu thông tin” cũng có số lượng phiếu trả lời là “có” không ít, lần lượt là 45/262 phiếu và 35/262 phiếu. Điều này cho thấy, các DN gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

Hạn chế về năng lực công nghệ

Kết quả khảo sát cho thấy, có 52,7% số DN cho biết là công nghệ của họ là nhập khẩu; 35,2% khẳng định công nghệ có nguồn gốc trong nước sản xuất và 12% tự phát triển. Các thiết bị máy móc sử dụng công nghệ ở nhiều mức độ, nên giá cả cũng rất khác nhau, từ hàng triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng. Những thiết bị công nghệ cao chủ yếu được nhập về từ sau năm 2000 và cũng nhiều DN ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến nhất, mới nhất. Đặc biệt, hầu hết các DN đều không đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị do thiếu lao động có kỹ năng, bí quyết công nghệ (41%) và hạn chế về tài chính (38%).

Đơn vị tính: %

Biểu đồ 2: đánh giá của DN về nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn, nâng cấp máy móc, thiết bị

Chưa chủ động tham gia chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu

Có 53,1% số DN cho biết không tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, hầu như các DN chỉ hợp tác hoặc với các DN cùng ngành hoặc là những DN cùng sản xuất sản phẩm tương tự, rất ít các DN hợp tác cả 2 lĩnh vực. Phần lớn sản phẩm của DN được tiêu thụ trong nước; các DN phần nhiều chỉ có các hợp đồng dài hạn (từ 3 năm trở lên) với các khách hàng/đối tác trong một chuỗi cung ứng ở trong nước (43% số DN có hợp đồng với đối tác trong nước, trong khi chỉ có 12% có hợp đồng với đối tác nước ngoài). Để quản trị, phân phối nguyên liệu đầu vào và đầu ra của sản phẩm, có 121/262 DN sử dụng phương pháp truyền thống “kiểm soát tồn kho”, 94/262 DN sử dụng phương pháp “xây dựng mạng lưới, mô hình phân phối riêng” và 90/262 “sử dụng các phần mềm quản trị”, chỉ có 65 DN “xây dựng chiến lược phân phối”.

Đánh giá về 7 nhóm chính sách (vốn - tín dụng, thuế, đất đai, lao động, hỗ trợ thị trường, chuyển giao công nghệ và thủ tục hành chính) đang được dùng để hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhìn chung, mức độ hài lòng của các DN đối với các chính sách này là không cao. Nhiều DN cho rằng, các chính sách này “chưa hợp lý”, đặc biệt với nhóm “thủ tục hành chính”, mức độ đánh giá “chưa hợp lý” cao hơn mức độ đánh giá “bình thường” (hiểu là chấp nhận được).

Trong số các nguyên nhân gây cản trở cho DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hầu hết các DN đều khẳng định có sự ảnh hưởng tổng hợp bởi: cầu trong nước và nước ngoài giảm, khó tiếp cận vốn, thiếu thông tin, bất ổn về kinh tế vĩ mô, liên kết trong chuỗi lỏng lẻo, mức độ hiện đại của công nghệ/máy móc thiết bị, trình độ lao động thấp, chưa có chiến lược tham gia chuỗi cung ứng/năng lực quản trị cung ứng kém hiệu quả và một số khó khăn khác. Trong đó chủ yếu là: thiếu thông tin, chưa có chiến lược tham gia chuỗi cung ứng/năng lực quản trị cung ứng kém hiệu quả và liên kết trong chuỗi lỏng lẻo. Kết quả này tương đối phù hợp với tình hình đánh giá chung của các nghiên cứu khác và cho thấy DN chưa ý thức được vai trò cũng như chưa chủ động tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu.

Bảng 1: các khó khăn và mức độ khó khăn DN gặp phải khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ghi chú: 0: tương đương với không khó khăn; 5: tương đương mức độ khó khăn bình thường; 10: tương đương mức độ rất khó khăn

Các biện pháp DN sử dụng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Phần lớn các DN đã áp dụng cả 4 nhóm biện pháp là đổi mới công nghệ (41,6% DN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (39,7%), quản trị, cải tiến hoàn thiện cơ cấu tổ chức (35,1%) và áp dụng phương pháp sản xuất mới (25,2%). Bên cạnh đó, nhiều DN đề xuất áp dụng hoặc mong được áp dụng các giải pháp đồng bộ, bổ sung khác, như: Nhà nước có chương trình thúc đẩy hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ; hỗ trợ về nguồn vốn; giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục giảm thuế, hỗ trợ DN về quản trị cung ứng mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác, thông tin, tìm kiếm chuyên gia, tổ chức hoạt động giao lưu xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, tôn vinh hỗ trợ DN nhập khẩu công nghệ.

Giải pháp nâng cao năng lực cho các DN

Thực tế khảo sát cho thấy, năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân cả về năng lực tự thân và những hỗ trợ cần có từ Nhà nước, nhất là về nguồn lực công nghệ, tài chính và về lao động. Trong giai đoạn hiện nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập cùng với rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, DN Việt Nam nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng bước vào một giai đoạn cạnh tranh mới với nhiều thách thức cũng như cơ hội mới mở ra. Với tỷ lệ chiếm hơn 97%* tổng số DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất quan trọng đối với nền kinh tế. Việc nâng cao năng lực cho các DN này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Từ kết quả cuộc điều tra cho thấy, để nâng cao năng lực cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần thiết phải thực hiện các nhóm giải pháp:

Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ được xem là vũ khí cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất sẽ tạo ra được các sản phẩm tiên tiến, chất lượng, năng suất cao hơn trong khi giá thành lại giảm, do đó tạo ra ưu thế cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ đối với hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ cho DN, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin cũng như thống kê KH&CN.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN cũng cần tự nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong việc sử dụng và đào tạo lao động, mà trước hết là nâng cao năng lực và trình độ quản lý của người sử dụng lao động/chủ DN. Bởi không ai khác mà chính chủ DN mới là người hiểu rõ nhất DN mình cần người lao động có kỹ năng gì và cần phải đào tạo như thế nào. Giáo dục, đào tạo có thể cung cấp nền tảng cơ bản hoặc hỗ trợ bằng các chương trình đào tạo chuyên sâu, nhưng kỹ năng, kỹ xảo chỉ có được thông qua rèn luyện và lao động.

Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, tín dụng. Như kết quả cuộc khảo sát đã chỉ ra, việc tiếp cận tín dụng của DN nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải có các biện pháp, chính sách cụ thể hỗ trợ về nguồn vốn, giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục; hỗ trợ tiếp cận thông tin về các nguồn vốn như các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân và phát huy hiệu quả của quỹ phát triển DN nhỏ và vừa của Chính phủ…

Phát triển cơ sở hạ tầng và thông tin. Xây dựng quy hoạch dài hạn cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương mại, giao thông, cảng biển, sân bay, kho bãi, điện, nước, thông tin liên lạc, cơ sở dữ liệu hiện đại, chính xác. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn, kết nối DN trong nước với nước ngoài. Giúp DN hiểu rõ các vấn đề về luật pháp quốc tế, các chính sách đảm bảo an ninh, nhìn nhận rõ ràng những thuận lợi và khó khăn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nâng cao năng lực quản trị cung ứng và liên kết trong chuỗi cung ứng. Cần nâng cao và phát triển năng lực của nhân lực quản trị thông qua đào tạo, tăng cường học hỏi; có chính sách, chương trình cụ thể để DN nắm bắt thông tin, dự báo/hoạch định nhu cầu sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để nâng cao khả năng liên kết/hợp tác trong chuỗi cung ứng, cần nâng cao vị thế của DN để củng cố quyền lực cũng như sự tín nhiệm với các đối tác; thường xuyên duy trì các hoạt động giao dịch với đối tác, thúc đẩy quan hệ hợp tác; DN cần phải biết xây dựng hình ảnh, thương hiệu trong giao dịch, lấy chữ tín và chất lượng dịch vụ làm đầu.

Nguyễn Hồng Nhung, Bùi Thị Huy Hợp

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Bộ KH&CN

Tài liệu tham khảo

1. The Commercial Section of the Canadian Embassy in the Republic of Korea (2012), Global value chain Analysis on Samsung Electronics.

2. VSCI (2012), Bức tranh hoạt động chuỗi cung ứng Việt Nam 2012.

3. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (2013), DN nhỏ và vừa: thực trạng và giải pháp hỗ trợ.

4. http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Long-leo-lien-ket-chuoi-cung-ung-6161.html, Lỏng lẻo chuỗi liên kết cung ứng.

5. http://baotintuc.vn/doanh-nghiep/giup-doanh-nghiep-gia-nhap-chuoi-cung-ung-toan-cau-20120723070806861.htm, Giúp DN gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

6.http://www.nhipcaudautu.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-van-dung-ngoai-chuoi-cung-ung-toan-cau-3272671/#axzz4CDj0nWYO, DN Việt vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu.

7. Nguyễn Thị Đông (2015), Kinh nghiệm xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp của quốc tế và bài học cho Việt Nam.

8. Lê Thị Ái Lâm và Nguyễn Hồng Bắc (2009). Mạng sản xuất toàn cầu trong ngành điện tử.

9. Nguyễn Viết Thái (2015), Nghiên cứu chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 4456

Về trang trước Về đầu trang