Tin KHCN trong tỉnh
Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp: Giá trị sản xuất tăng thêm 30% (16/04/2016)
-   +   A-   A+   In  
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đóng góp của các yếu tố KH-CN chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng nông sản tăng thêm trong thời gian qua. Giá trị này còn tăng cao hơn nữa nếu việc đầu tư ứng dụng KH-CN được nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất Nano công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarael theo hướng VietGap tại hộ trồng rau của anh Nguyễn Văn Thanh – chị Trần Thị Khiếu (xã Tân Hải, huyện Tân Thành).

Mô hình trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất Nano công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarael theo hướng VietGap tại hộ trồng rau của anh Nguyễn Văn Thanh – chị Trần Thị Khiếu (xã Tân Hải, huyện Tân Thành).

Năm 2014, Sở KH-CN đã đưa vào thử nghiệm dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất Nano công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel theo hướng VietGAP” tại hộ trồng rau của anh Nguyễn Văn Thanh (xã Tân Hải, huyện Tân Thành). Theo đó, gia đình anh Thanh được Sở KH-CN hỗ trợ 50% kinh phí để thực hiện mô hình. Với kinh phí đầu tư ban đầu 175 triệu đồng cho 1.000m2 gồm nhà lưới, công nghệ tưới nhỏ giọt, phân bón Nano…. Với diện tích 1.000m2, anh Thanh trồng được 48 luống rau xà lách, 27 luống hành, 24 luống cải cục và 7 luống rau tía tô. Tính đơn giản, nếu 1 luống (diện tích khoảng 10m2) cải cục theo công nghệ thường trước đây chỉ thu được 50kg thì với mô hình mới có thể thu được 70kg. Đối với hành lá, trước đây năng suất đạt 50kg/luống thì nay tăng lên 75kg trên cùng một diện tích… Ngoài ra, công nghệ này còn giúp người trồng rau giảm đến 60% thuốc bảo vệ thực vật. Trừ các khoản chi phí, vườn rau của anh Thanh đầu tư theo công nghệ mới mang lại lợi nhuận khoảng 10-12 triệu đồng mỗi tháng, tăng khoảng 2 triệu đồng/tháng so với khi chưa áp dụng KH-CN.

Không những gia tăng về sản lượng, việc áp dụng KH-CN trong sản xuất như mô hình này còn giúp giảm bớt sức lao động. Theo anh Thanh, trước đây, nếu diện tích 1.000m2 trồng rau, phải mất 3-4 công nhân chăm sóc, làm 10-12 tiếng/ngày, nay chỉ cần 1 người trông coi, chăm nom mà vẫn nhàn hơn. Bởi nhờ có nhà lưới, sâu bệnh không thể vào; nhờ tưới nhỏ giọt, nông dân không phải vác máy bơm tưới nước cho rau 2-3 lần/ngày.

Tại vườn lan Minh Ngân (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) hiện đang có khoảng 46.000 giò lan với rất nhiều loại khác nhau: Denro, Hồ Điệp, Vũ Nữ, Ngọc Điểm, Monkara, Catleya… ước tính giá trị kinh tế khoảng 12 tỷ đồng. Trước đây, giống lan hoàn toàn phải lấy từ Đà Lạt hoặc nơi khác về trồng với giá mua từ 8.000-15.000 đồng/cây. Tính riêng chi phí mua cây giống mỗi đợt khoảng gần 400 triệu đồng. Nhưng từ năm 2013, vườn lan Minh Ngân đầu tư 500 triệu đồng xây dựng phòng cấy mô. Mỗi đợt cấy mô cho ra khoảng 100.000 cây giống. Từ cây giống này, vườn lan Minh Ngân đưa ra ngoài môi trường sống để trồng và chăm sóc. Trừ các khoản chi phí nuôi cấy mô và tỷ lệ rủi ro trong quá trình sinh trưởng, vườn lan Minh Ngân giảm khoảng 20-30% chi phí so với việc mua giống từ nơi khác về trồng. Bà Lê Ngọc Giáng Hương, chủ vườn hoa Minh Ngân cho biết, trồng lan bằng cách nhân giống từ phương pháp nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm như: cây giống hoàn toàn sạch bệnh, sinh trưởng nhanh, sớm ra hoa, mật độ hoa dày, màu sắc đẹp, đường kính hoa ổn định qua các thời kỳ. Quan trọng nhất là cây giống được trồng theo phương pháp này có khả năng đề kháng tốt, cây phát triển ổn định hơn.

 

Hai câu chuyện trên là những ví dụ cho thấy năng suất, chất lượng tăng lên, chi phí, nhân công giảm xuống nhờ ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở KH-CN, hàng năm có gần 10 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN được triển khai và ứng dụng, trong có đến 80% thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, đã có 86 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, nuôi trồng thủy sản, chế biến sau thu hoạch... được tỉnh cấp kinh phí thực hiện. Một số đề tài, ứng dụng trong quản lý sản xuất, quản lý dịch bệnh động vật đã phát huy hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như: áp dụng quy trình sản xuất, xây dựng nhà lưới, nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau, nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho một số loại cây trồng như bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành), rau an toàn (huyện Tân Thành, Đất Đỏ), thanh long ruột đỏ (huyện Xuyên Mộc)... Ngoài ra, một số giống trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta còn được bảo tồn gen và phát triển đặc sản quý để xây dựng thương hiệu... Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, các đề tài, dự án KH-CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng, góp phần nâng mức tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm 6-7%. Các đề tài, dự án KH-CN ngành nông nghiệp trong tỉnh đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, hiện đại.

 

Nhờ có thực hiện được phương pháp cấy mô, vườn lan Minh Ngân đã tiết kiệm được 20-30%

Nhờ có thực hiện được phương pháp cấy mô, vườn lan Minh Ngân đã tiết kiệm được 20-30%

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/

Số lượt đọc: 7457

Về trang trước Về đầu trang