Tin KHCN trong tỉnh
Không thương hiệu, khó đứng vững (05/11/2013)
-   +   A-   A+   In  
Sự kiện Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm "Muối Bà Rịa" cuối tuần qua là một tin vui cho không ít diêm dân của Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nay, hạt muối của diêm dân đã có tên riêng, sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm muối của các địa phương khác. Từ chuyện hạt muối, nghĩ về nhiều đặc sản khác của tỉnh cũng cần một thương hiệu.

Nông dân chịu thiệt vì sản phẩm không thương hiệu

Thời tiết thuận lợi, nắng gió nhiều, độ mặn nước biển cao hơn các tỉnh, thành khác, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nghề sản xuất muối lâu đời (khoảng 160 năm). Nghề muối là nghề truyền thống tại huyện Long Điền (xã An Ngãi) và TP. Vũng Tàu (xã Long Sơn). Thời gian qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều diêm dân đã đầu tư sản xuất muối sạch theo phương pháp trải bạt. Chất lượng tốt nhưng do chưa có nhãn hiệu nên hạt muối của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có giá bán thấp hơn so với các địa phương khác. Với việc được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu, hy vọng từ nay hạt muối của tỉnh sẽ được quảng bá rộng rãi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại có hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều nông sản nổi tiếng, chất lượng tốt nhưng chưa có thương hiệu riêng. Do đó, cũng như tình trạng chung của nông dân cả nước, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vẫn bị thua thiệt, chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Hơn 5 năm qua, cây thanh long ruột đỏ đã bén rễ và phát triển tốt tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc). Để từng bước nâng cao chất lượng trái thanh long, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2009, ông Mai Văn Tiết, ấp Trang Định, xã Bông Trang trồng 4.000m2 thanh long ruột đỏ, sản lượng 4-5 tấn/năm. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn chưa thể làm giàu với loại cây trồng này. “Giá cả luôn bấp bênh, năm nào được mùa thì giá thấp, mất mùa giá cao. Không chỉ bị ép giá, người trồng thanh long cũng phải chịu không ít rủi ro do thời tiết thất thường. Nông dân vẫn chủ yếu làm theo kiểu lấy công làm lãi. Do vậy, thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ mới chỉ đủ sống chứ chưa thể làm giàu được”, ông Mai Văn tiết nói.

Theo ông Mai Văn Tiết, trái thanh long ruột đỏ bán tại vườn cho thương lái có giá 15-20 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, tại các sạp trái cây các chợ trên địa bàn TP. Vũng Tàu, người tiêu dùng đã phải mua với giá từ 40-50 ngàn/kg. Trái thanh long ruột đỏ cũng chưa có “đường” vào siêu thị. Bán trôi nổi trên thị trường, giá bán trái thanh long ruột đỏ trồng theo chuẩn VietGAP cũng ngang bằng với các loại thanh long thông thường khác.

Không riêng gì trái thanh long ruột đỏ của nông dân Bông Trang, nhiều loại nông sản khác của Bà Rịa – Vũng Tàu mặc dù được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng nhưng do chưa có thương hiệu nên giá trị vẫn bị “cào bằng” trên thị trường. Nói về sự thua thiệt của nông sản do chưa có thương hiệu, ông Ninh Đức Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cũng làm một phép tính, lợi nhuận trong khâu bán hàng của sản xuất nông nghiệp chiếm 50-80% tùy từng mặt hàng, từng thời điểm. Tuy nhiên, do những hạn chế về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bị thương lái ép giá, vì chưa có thương hiệu nên nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. “Chính vì vậy, nhà nước cần chính sách tốt hỗ trợ nông dân trong việc định hướng sản xuất, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, chất lượng hàng hóa (miễn phí), đồng thời xây dựng các chợ, trung tâm thương mại, các điểm dừng chân cho du khách để dễ dàng quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, ông Ninh Đức Bảo nói.

Nông sản có thương hiệu còn quá ít

Ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản, hạt điều nhân, rau quả… có bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt. Tỉnh đang có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản đặc biệt này để từng bước xây dựng thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung, có chất lượng cao, tiến tới đăng ký và xây dựng thương hiệu cho nông sản phẩm, tăng giá trị hàng hoá cho xuất khẩu: đó là xây dựng vùng tiêu chất lượng cao, vùng sản xuất rau sạch. Tuy nhiên, còn khá nhiều các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh không có bao bì, nhãn mác. Trong khi đó, nông dân rất mong có chứng nhận nhãn hiệu riêng cho nông sản để có thể kiểm soát giá cả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. “Trong thời gian qua, chương trình Xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, muối Bà Rịa, hồ tiêu. Hiện có nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, muối Bà Rịa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Riêng sản phẩm hồ tiêu đang hoàn tất thủ tục để trình Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Quốc cho biết thêm.

Để bảo đảm sự ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, ngoài việc nâng cao chất lượng, số lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì xây dựng nguồn gốc xuất xứ để tạo nên thương hiệu cho từng loại nông sản là hết sức quan trọng. Có thương hiệu, địa chỉ xác nhận thì hàng nông sản sẽ có giá trị cao hơn, tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Tại hội thảo “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản” mới đây do Sở NN&PTNT tổ chức, tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho hàng hoá nông sản là vấn đề bức xúc không chỉ đưa nông sản tiêu biểu dễ dàng vào thị trường trong và ngoài nước mà còn mang lại sự ổn định trong sản xuất, tăng giá trị cho nông sản. Không những thế, thương hiệu còn ràng buộc người sản xuất, doanh nghiệp, nhà phân phối phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với sản phẩm do mình làm ra, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để xúc tiến cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa, trước hết cần có sự tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu. Thương hiệu muốn phát triển được một cách bền vững cần xây dựng được một chiến lược tổng thể với những hành động cụ thể, có sự phối hợp của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và sự hỗ trợ của Nhà nước. “Về phía nông dân, phải tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có quy mô ổn định, từ đó chúng ta mới quảng bá được sản phẩm, chuyển tải những thông điệp tốt nhất về sản phẩm của mình tới khách hàng. Về phía địa phương, cần tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hoá nông sản có chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần có định hướng chiến lược, chú trọng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”, tiến sĩ Võ Mai nói.

Nguồn: baobariavungtau

Số lượt đọc: 9625

Về trang trước Về đầu trang