Tin KHCN trong tỉnh
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BR-VT (14/01/2016)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian gần đây, nhiều DN của các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…  đã đến BR-VT tìm kiếm cơ hội phân phối, chuyển giao và hợp tác sản xuất các sản phẩm KHCN… Các DN nước ngoài đều khẳng định rằng BR-VT là một thị trường đầy tiềm năng.

Công ty Ogiso Kentiku đến từ Nhật Bản giới thiệu với các đối tác tại BR-VT về thiết bị xử lý nước an toàn

 

Theo đánh giá của Sở KH-CN, nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ KHCN nên BR-VT đã thành công trong nâng cao năng suất sản xuất, bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là đã áp dụng công Ozon (của Hà Lan) trong xử lý khí thải ngành sản xuất thủy sản; công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarael trong sản xuất nông nghiệp... Vài năm gần đây, BR-VT tiếp tục tìm hiểu nhiều sản phẩm KHCN của các nước nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và chỉnh trang đô thị như: công nghệ bó vỉa gốc cây của Hàn Quốc, công nghệ xử lý nước thải của Nhật Bản, công nghệ xây nhà bằng gạch không nung của Mỹ… Những bước đi tiên phong trong áp dụng các thành tựu KHCN đã đưa BR-VT vào “tầm ngắm” của các doanh nghiệp (DN) KHCN lớn trên thế giới.

 

Ông Kazuo Higashi, Giám đốc Công ty Alco (NHật Bản) cho biết: “Công ty Alco đã tìm đến thị trường BR-VT để giới thiệu kỹ thuật tiên tiến về bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn sẽ tìm được đối tác để hợp tác sản xuất sản phẩm ngay tại Việt Nam”. Theo giới thiệu của ông Kazuo Higashi, Sofil là hệ thống xử lý nước thải thân thiện với môi trường bằng công nghệ đất màng vi sinh vật. Quy trình xử lý này có thể loại bỏ hoàn toàn phốt pho trong nước. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn để sử dụng trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Công nghệ xử lý nước thải Sofil rất phù hợp với các trường học, nhà máy. Với quy mô một trường học khoảng 500 học sinh, chỉ cần đầu tư một hệ thống Sofil khoảng 780-800 triệu đồng. “Nếu chúng tôi tìm được đối tác, mở nhà máy sản xuất tại BR-VT hoặc ở tỉnh, thành nào đó của Việt Nam thì giá thành có thể sẽ giảm thêm khoảng 20-30%”, ông Kazuo Higashi nói.

 

Theo Sở KH-CN tỉnh, trong các hoạt động kết nối cung - cầu về KHCN tổ chức tại BR-VT, các đơn vị, đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu luôn chiếm số lượng lớn. Ông Thomas Beardsley, giám đốc kinh doanh và bán hàng toàn cầu của Công ty hệ thống thiết bị truyền dẫn Artel (đến từ Mỹ), cho biết, Artel chuyên cung cấp các thiết bị truyền dẫn video chất lượng cao thông qua cáp quang và mạng cục bộ… “Được biết, BR-VT đang trong trong lộ trình số hóa truyền hình số mặt đất nên sẽ cần đầu tư các thiết bị về truyền dẫn chất lượng cao. Vì thế, Artel mong muốn thông qua giới thiệu các sản phẩm chất lượng để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương”, ông Thomas Beardsley nói.

 

Cũng tham gia vào các hoạt động kết nối cung - cầu KHCN, ông Insu Park, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ và Chiếu sáng Luxfine mong muốn công nghệ bóng đèn cảm ứng từ mang thương hiệu Luxfine sẽ được ứng dụng tại Việt Nam và BR-VT sẽ là thị trường đầu tiên. Theo giới thiệu, hệ thống đèn cảm ứng từ Luxfine có công suất 150w có thể cài đặt tự động điều chỉnh độ sáng giảm dần. Theo tính toán của Tập đoàn Luxfine, giá thành 1 đèn cảm ứng từ của Luxfine là 260 USD/cái (cao hơn 70 USD/cái so với đèn cao áp Natri) nhưng bù lại đèn cảm ứng từ có thể tiết kiệm được từ 50-70% chi phí điện năng so với đèn cao áp Natri.

 

Những ví dụ trên cho thấy, việc BR-VT quan tâm đến bảo vệ môi trường, đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ đã khiến cho tỉnh thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ bán sản phẩm, nhiều DN nước ngoài còn mong muốn BR-VT sẽ hợp tác để chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm nhằm giảm giá thành đầu ra cho người tiêu dùng.

Nguồn: baobariavungtau

Số lượt đọc: 5446

Về trang trước Về đầu trang