Tin KHCN trong tỉnh
Đưa khoa học-công nghệ vào cuộc sống (17/05/2023)
-   +   A-   A+   In  

Xác định vai trò động lực và tầm quan trọng của KH-CN trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn xem phát triển KH-CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt để giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Nông dân Nguyễn Văn Thành, HTX Thương mại-Dịch vụ-Nông nghiệp Xà Bang (huyện Châu Đức) ứng dụng công nghệ số trong ghi nhật ký trồng trọt cây ca cao.
Nông dân Nguyễn Văn Thành, HTX Thương mại-Dịch vụ-Nông nghiệp Xà Bang (huyện Châu Đức) ứng dụng công nghệ số trong ghi nhật ký trồng trọt cây ca cao.

KH-CN gắn với thực tiễn sản xuất

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN những năm qua có nhiều chuyển biến theo hướng lựa chọn, đặt hàng thực hiện các đề tài, dự án KH-CN có địa chỉ ứng dụng, gắn với nhu cầu thực tiễn. Các nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống thuộc các lĩnh vực: phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, du lịch, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ thông tin, khoa học y dược... Kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng từng bước giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng trong nông nghiệp và thủy sản, hỗ trợ DN từng bước đưa KH-CN mới, tiên tiến vào sản xuất.

Đến nay toàn tỉnh có 8 DN KH-CN hoạt động trong các lĩnh vực: công nghệ vật liệu mới, chế biến thủy sản, môi trường, công nghệ thông tin. 100% DN được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH-CN tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH-CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính DN. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của các DN trong tỉnh đạt hơn 25%/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thành và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến và các sàn giao dịch điện tử khác giúp việc mời chào khách hàng, tăng doanh thu cho DN. 

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, HTX đã đưa hơn 10 sản phẩm đạt chứng nhận GlobalGAP như: tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sữa, củ hoài sơn, bột hoài sơn… lên sàn thương mại điện tử. Việc làm này giúp cho HTX không chỉ quảng bá sản phẩm rộng rãi mà còn giúp người tiêu dùng cả nước biết đến, đặt mua sản phẩm đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU về “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, nhằm thúc đẩy “văn hóa khởi nghiệp sáng tạo” trong cộng đồng DN, Sở KH-CN đã tích cực tham mưu cho tỉnh các chương trình, chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 220 dự án khởi nghiệp và 56 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xét duyệt hỗ trợ kinh phí cho 28 lượt DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 993 triệu đồng; tổ chức hơn 150 hội nghị, tập huấn, ngày hội về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp sáng tạo.

 

Đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn

Theo Sở KH-CN, việc triển khai và áp dụng vào sản xuất và đời sống một số dự án điển hình về phát triển công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 7 dự án về công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Côn Đảo; bảo tồn, sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước theo Công ước Ramsar mà Việt Nam đã ký kết.

Từ năm 2018, tỉnh đã thực hiện dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo”. Dự án đã phục hồi trên 6.000 tập đoàn san hô với diện tích 3ha. “Dự án thực hiện đã phục hồi và tái tạo các rạn san hô, nên các loài thủy sinh được phục hồi theo, tạo thành hệ sinh thái rạn san hô rất đa dạng và đẹp mắt, làm tăng sản phẩm du lịch tại Côn Đảo. Bên cạnh đó làm tăng sản lượng khai thác thủy sản của cộng đồng dân cư, tạo việc làm cho ngư dân có thêm thu nhập”, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN, đơn vị chủ trì thực hiện đề án thông tin thêm.

Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh đã triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2026, định hướng đến 2030”. Việc làm này một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường. 

“Đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo đột phá trong giải quyết các tồn tại mang tính đa mục tiêu như hiện nay, giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống người dân không những trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn”, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 2552

Về trang trước Về đầu trang