Hiện nay, truy xuất nguồn gốc đã trở thành vấn đề ưu tiên chiến lược đối với các tổ chức trên toàn thế giới. Bên cạnh việc giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính minh bạch cho chuỗi cung ứng, chia sẻ và sử dụng dữ liệu truy xuất nguồn gốc cũng hỗ trợ cho việc phát triển các giải pháp tăng cường an ninh và an toàn cho chuỗi cung ứng.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc được tổ chức sử dụng để quản lý việc truy xuất nguồn gốc trong (các) chuỗi cung ứng của mình. Một hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm cơ chế cho việc định danh các đối tượng và thu nhận thông tin về trạng thái của các đối tượng đó theo thời gian khi chúng dịch chuyển giữa các địa điểm hoặc tham gia vào các quá trình kinh doanh khác nhau.
Vì vậy, việc chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc là phương thức mang lại sự đảm bảo rằng một tổ chức đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với nhu cầu, mục đích của tổ chức và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn liên quan khác về truy xuất nguồn gốc (nếu có) trong lĩnh vực hoạt động của tổ chức.
TCVN 12851:2019 về Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 176 Quản lý chất lượng và Đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc và yêu cầu đối với năng lực, tính nhất quán và khách quan của tổ chức thực hiện việc đánh giá, chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc. Việc chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc là hoạt động đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba, do đó, tổ chức tiến hành hoạt động này là tổ chức đánh giá sự phù hợp bên thứ ba.
Trong đó, xét về năng lực của nhân sự, TCVN 12851:2019 nêu rõ, tổ chức chứng nhận phải có các quá trình để đảm bảo rằng nhân sự của mình có kiến thức và kỹ năng thích hợp liên quan đến hệ thống truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu cụ thể đối với lĩnh vực kỹ thuật của khách hàng.
Tổ chức chứng nhận phải có quá trình xác định tiêu chí năng lực nhân sự tham gia vào quản lý và thực hiện đánh giá và hoạt động chứng nhận khác. Phải xác định các tiêu chí năng lực theo những yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống truy xuất nguồn gốc, cho từng lĩnh vực kỹ thuật và từng chức năng trong quá trình chứng nhận. Kết quả của quá trình này phải là tiêu chí được lập thành văn bản về kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện một cách hiệu lực các nhiệm vụ đánh giá và chứng nhận cần hoàn thành nhằm đạt được kết quả dự kiến.
Đồng thời, tổ chức chứng nhận phải có các quá trình được lập thành văn bản đối với việc đánh giá năng lực ban đầu và theo dõi liên tục năng lực cũng như thực hiện của mọi cá nhân tham gia vào việc quản lý, thực hiện đánh giá và các hoạt động chứng nhận khác, theo các tiêu chí năng lực xác định.
Tổ chức chứng nhận phải chứng tỏ rằng phương pháp đánh giá năng lực của mình là có hiệu lực. Kết quả của các quá trình này phải được sử dụng để nhận biết nhân sự chứng tỏ được năng lực cần thiết đối với các chức năng khác nhau của quá trình đánh giá và chứng nhận. Năng lực phải được chứng tỏ trước khi cá nhân đảm nhận trách nhiệm thực hiện hoạt động của mình trong phạm vi của tổ chức chứng nhận.
Tổ chức chứng nhận phải tiếp cận được kiến thức chuyên môn kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ cho những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chứng nhận trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau và các khu vực địa lý tổ chức hoạt động. Những kiến thức này có thể có từ bên ngoài hoặc bởi chính nhân sự của tổ chức chứng nhận.
Ngoài ra, nhân sự khi tham gia vào hoạt động chứng nhận phải đảm bảo các yêu cầu về nhân sự tham gia vào hoạt động chứng nhận theo TCVN ISO/IEC 17021-1:2015 về Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý – Phần 1: Các yêu cầu.