Tin KHCN trong nước
Người làm khoa học được giao quyền tự chủ cao nhất (13/01/2025)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 22-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết số 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 57 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các “điểm nghẽn” và mang tính “cách mạng” đối với sự phát triển của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hôm nay, 13-1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm quán triệt và triển khai toàn diện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khắc phục yếu kém

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên chúng ta có nghị quyết riêng về phát triển lĩnh vực KH-CN. Năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết số 20) về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được như KH-CN đã có chuyển biến tích cực (từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ, một số lĩnh vực đa ngành mới được hình thành, tăng cường tiềm lực và trình độ KH-CN quốc gia) thì có thể thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, có mặt chậm khắc phục, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do đó, Nghị quyết số 57 được ban hành mới đây sẽ khắc phục được những “điểm nghẽn” của Nghị quyết số 20 trước kia. Những mục tiêu của Nghị quyết số 57 đặt ra rất cụ thể. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, lần đầu tiên, tại Nghị quyết số 57, KH-CN cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được đặt lên ở vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng cùng các giải pháp quyết liệt. Chẳng hạn, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đây là mục tiêu rất khó, muốn đạt được đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn.

Quyết tâm cao cho phát triển KH-CN

Nghị quyết số 57 cũng thể hiện rõ quyết tâm tập trung cao độ của Đảng và Nhà nước dành cho phát triển lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, được cụ thể hóa bằng nguồn lực rõ ràng. Đó là xác định phải tăng đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) chiếm tỷ lệ 2% tổng GDP quốc gia, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Thời gian qua, chi ngân sách nhà nước cho KH-CN đều dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Với việc tăng đầu tư theo Nghị quyết số 57 thì Bộ Tài chính phải cân đối lại ngân sách cho KH-CN, qua đó tạo nền tảng cho sự phát triển lĩnh vực quan trọng này. Đáng chú ý, Nghị quyết 57 đã có đột phá về tư duy trong đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D. Theo đó, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển KH-CN ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển KH-CN. Tư duy này đã được đề cập tại Nghị quyết số 20, nhưng hơn 10 năm qua gần như chúng ta không làm được điều này. Lần này, Nghị quyết số 57 đã quy định rất cụ thể và với sự quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57 cũng đã thể hiện ý chí, sự quyết liệt của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển KH-CN. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo, nêu lại các vấn đề mà từ trước đến nay được trao đổi rất nhiều nhưng chúng ta thực hiện chưa được đến nơi đến chốn. Ví dụ như chấp nhận rủi ro mạo hiểm trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN; thực hiện cơ chế quỹ tài chính để tài trợ cho các hoạt động của các dự án nghiên cứu và triển khai KH-CN; phải có các chức danh như tổng công trình sư, có cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân các nhà khoa học giỏi trong nước cũng như nước ngoài; cho phép mua lại công nghệ của các nước để phát triển; phải thực hiện các dự án có hàm lượng KH-CN cao và giá trị ứng dụng rất lớn như về vi mạch, bán dẫn, chip, điện hạt nhân, đường sắt cao tốc…

Đồng thời, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57 được quy định mang tính khả thi hơn so với Nghị quyết số 20 trước đây. Điểm mới lần này thể hiện rõ là có ban chỉ đạo Trung ương về phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu. Bên cạnh ban chỉ đạo đó sẽ có một hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học hàng đầu và rất uy tín. Nghị quyết số 57 cũng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị phải quán triệt tư tưởng đổi mới, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển KH-CN.

Với Nghị quyết số 57, chúng ta có thể giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học, để họ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu và tự định giá trong quá trình chuyển giao công nghệ. Cuối cùng, Việt Nam sẽ phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của đất nước mà còn hướng đến là một thị trường chuyên về KH-CN và đổi mới sáng tạo, thu hút được các nguồn lực từ nhiều nơi trên thế giới hội tụ về. Cộng đồng khoa học đều đánh giá cao, tin tưởng Nghị quyết số 57 sẽ đi vào cuộc sống, cải thiện chất và lượng của Việt Nam và đóng góp vào sự thay đổi của đất nước, nhất là trong Kỷ nguyên vươn mình.

Nguồn: sggp.org.vn

Số lượt đọc: 163

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC