Năm 2015, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp mặt “các nhà sáng chế không chuyên” với mục đích khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của các nhà sáng chế không chuyên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên và sản phẩm độc đáo, hiện thực hóa và kết nối các phát minh trong cuộc sống nhằm khuyến khích sự sáng tạo, những phát kiến xuất sắc của người Việt Nam, đóng góp tích cực cho đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế.
Sự kiện trên nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 2 (18/5/2015).
Nhiều ý tưởng sáng tạo của nông dân được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Ảnh: M. H |
50 nhà khoa học được tôn vinh lần này là những nhà khoa học không chuyên xuất sắc từ mọi miền của Tổ quốc. Họ là những nhà sáng chế không chuyên nhưng đều có ý tưởng sáng tạo, giám mơ những giấc mơ lớn và lao động cật lực để biến những giấc mơ đó trở thành hiện thực.
Các sáng chế sáng tạo được tôn vinh lần này thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ khí chế tạo tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, diêm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược.
Trong thời gian qua, phong trào sáng tạo trong quần chúng nhân dân được phát triển rất mạnh mẽ tại các địa phương. Họ là những người nông dân, người thợ, người lao động bình thường chưa từng qua các trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào. Nhưng với ý tưởng sáng tạo và mong muốn cải thiện đời sống, phương tiện làm việc, họ đã có những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, giúp ích rất lớn cho việc cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiêu biểu như sáng tạo lò sấy lúa hai chiều của ông Quách Văn Hán (Sóc Trăng), máy gặt lúa rải hàng cải tiến của ông Nguyễn Kim Chính (Bình Định), …
Buổi gặp gỡ tiếp thu và tôn vinh đúng mức của Bộ KH&CN đối với những sáng chế “chân đất” không chỉ là sự ghi nhận, đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay, mà lớn hơn là sự trân trọng, động viên kịp thời; khích lệ niềm đam mê sáng tạo của họ và những người đang có khát vọng đầu tư "chất xám" làm đổi thay cuộc sống.
Bộ KH&CN mong muốn sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong sản xuất phục vụ cộng đồng, đồng thời Bộ KH&CN sẽ luôn hỗ trợ hết mình và đồng hành với ước mơ, khát khao thay đổi cuộc sống của con người Việt Nam.