Tiêu chuẩn ĐLCL
Chuyên gia năng suất được đánh giá thông qua các tiêu chí nào? (22/11/2024)
-   +   A-   A+   In  
Theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được đánh giá thông qua 7 tiêu chí về năng lực chuyên môn và 1 tiêu chí về quy tắc nghề nghiệp, bao gồm: Trình độ chuyên môn; Tham gia các khóa đào tạo năng suất; Kinh nghiệm làm việc; Xác nhận của khách hàng; Chuyên môn về năng suất; Các kỹ năng triển khai công việc; Kỹ năng cá nhân; và Quy tắc nghề nghiệp.

Chuyên gia năng suất được đánh giá là một thành tố quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Việc lựa chọn chuyên gia năng suất có đủ năng lực, phẩm chất tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Năm 2019, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) ban hành APO-PS 101:2019 Requirements for Productivity Specialists (Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất). Tài liệu này được ban hành nhằm thể hiện những nỗ lực hợp tác liên tục của APO với các Tổ chức năng suất quốc gia (NPOs) để xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất trong toàn khu vực.

Thực hiện trách nhiệm thành viên đối với APO, Viện Năng suất Việt Nam (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) được giao nhiệm vụ nghiên cứu áp dụng APO-PS 101:2019 từ năm 2020 và đưa ra đánh giá khả năng áp dụng của tài liệu này với thực tế triển khai các chương trình, nhiệm vụ, dự án liên quan tới năng suất, chất lượng trong nước. Tài liệu này được đánh giá là có nhiều nội dung thích hợp để phát triển các tiêu chí chuyên gia năng suất cho Việt Nam.

Hoạt động đào tạo về năng suất tại doanh nghiệp. Ảnh: VNPI.

Trên cơ sở đó, Viện Năng suất Việt Nam thực hiện nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đối với chuyên gia năng suất trong nước để đáp ứng tình hình thực tế. Ngày 12/04/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định công bố TCVN 13751:2023 về Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất. Tiêu chuẩn này đưa ra yêu cầu chung đối với chuyên gia năng suất để đáp ứng được các yêu cầu về năng lực và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được đánh giá thông qua 7 tiêu chí về năng lực chuyên môn và 1 tiêu chí về quy tắc nghề nghiệp, bao gồm: Trình độ chuyên môn; Tham gia các khóa đào tạo năng suất; Kinh nghiệm làm việc; Xác nhận của khách hàng; Chuyên môn về năng suất; Các kỹ năng triển khai công việc; Kỹ năng cá nhân; và Quy tắc nghề nghiệp.

Có thể kể đến như đối với tiêu chí Trình độ chuyên môn, chuyên gia năng suất phải có trình độ đại học trở lên, hoặc tốt nghiệp cao đẳng và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực năng suất, chất lượng.

Đối với tiêu chí Tham gia các khóa đào tạo năng suất, chuyên gia năng suất phải được đào tạo chuyên môn phù hợp để có được kiến thức và kỹ năng liên quan tới hoạt động thực hiện nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ.

Tiêu chí này gồm 2 yêu cầu: Yêu cầu thứ nhất - Chuyên gia năng suất phải hoàn thành một trong số các chương trình đào tạo về năng suất dưới dây: Khóa đào tạo chuyên gia năng suất theo chương trình của APO/NPO; Khóa đào tạo về năng suất, chất lượng đã được phê duyệt, thẩm định theo các chương trình năng suất quốc gia hoặc tương đương; Tham gia các khóa đào tạo trong nước hoặc quốc tế; hoặc khóa đào tạo trực tuyến về các công cụ cải tiến năng suất được tổ chức bởi các đơn vị đào tạo uy tín hoặc được thừa nhận, đăng ký; Tổng hợp các chương trình đào tạo ngắn hạn, gồm ít nhất 8 giải pháp năng suất (nêu trong Phụ lục A của tiêu chuẩn này). Yêu cầu thứ hai - Chuyên gia năng suất phải đạt được các yêu cầu trên thông qua quá trình kiểm tra, phỏng vấn, thẩm định hồ sơ.

Năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Hay đối với tiêu chí Xác nhận của khách hàng, chuyên gia năng suất phải có ít nhất 02 nhận xét của khách hàng hoặc cơ quan quản lý đề tài, nhiệm vụ, dự án năng suất, chất lượng đã thực hiện thành công hoặc có kết quả mang lại lợi ích tích cực trong vòng 24 tháng gần nhất. Trong đó, nhận xét của khách hàng có thể là thư điện tử, giấy khen, thư cảm ơn hoặc các tài liệu minh chứng khác; Mốc thời gian được tính từ thời điểm ứng viên chuyên gia năng suất nộp hồ sơ cho tổ chức chứng nhận.

Cũng theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được phân loại như sau: Thứ nhất, theo lĩnh vực hoạt động, chuyên gia năng suất được phân loại theo các lĩnh vực hoạt động chuyên môn sau: Tư vấn; Đào tạo; Nghiên cứu; Thúc đẩy. Cần lưu ý rằng chuyên gia năng suất có thể được phân loại thuộc 01 hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động chuyên môn trong 04 nhóm nêu trên. Thứ hai, theo cấp chuyên gia, chuyên gia năng suất có các cấp sau đây: Chuyên gia năng suất; Chuyên gia năng suất trưởng; Chuyên gia năng suất cao cấp.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 124

Về trang trước Về đầu trang