Tin KHCN trong nước
'Nghiên cứu neutrino mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam' (16/09/2024)
-   +   A-   A+   In  

Tiến sĩ Cao Văn Sơn cho biết nghiên cứu neutrino (hạt ma) có thể ứng dụng trong giám sát các lò phản ứng hạt nhân hoặc khoa học vũ trụ.

Tiến sĩ Sơn hiện đảm nhiệm vai trò dẫn dắt nhóm nghiên cứu về neutrino tại Viện Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) thuộc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn. Ông trở về Việt Nam năm 2022, sau 13 năm tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế về neutrino tại Mỹ (5 năm) và Nhật Bản (8 năm).

Ông chia sẻ với VnExpress về neutrino trong lĩnh vực vật lý hạt và tiềm năng ứng dụng vào đời sống xã hội.

TS Cao Văn Sơn. Ảnh: Thảo Chi

TS Cao Văn Sơn tại phòng làm việc. Ảnh: Thảo Chi

- Tại sao neutrino quan trọng trong nghiên cứu vật lý hạt, thưa ông?

- Hạt neutrino, biệt danh là "hạt ma", là một trong những bí ẩn lớn của thế giới hạt cơ bản - những viên gạch nhỏ nhất cấu thành nên vật chất. Gọi là "ma" là bởi vì hạt này tương tác rất yếu với vật chất và gần như không để lại dấu vết nào. Một mặt đó là thách thức cho các nhà khoa học để bắt "ma" nhưng mặt khác, thông tin mà neutrino mang lại là trực tiếp và vô cùng quý giá. Nói một cách ngắn gọn, neutrino có vai trò đặc biệt trong vật lý hạt và hạt nhân, vũ trụ học và thiên văn học và những tiến bộ trong khoa học neutrino có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác.

- Ông bắt đầu nghiên cứu neutrino từ khi nào?

- Năm 2015 tôi đã nghiên cứu khả năng vật lý của thí nghiệm Tokai to Kamioka (T2K) trong việc tìm kiếm vi phạm đối xứng CP. Đây là tiền đề để thuyết phục việc lấy thêm số liệu đến năm 2027. Năm 2016 tới nay, tôi tham gia phát triển hệ giám sát chùm tia proton kiểu mới và phụ trách một hệ thống máy giám sát mức độ mất mát của chùm proton bằng sợi quang, đồng thời thực hiện kiểm tra vi phạm đối xứng CPT với dữ liệu từ thí nghiệm . Với thí nghiệm Super-Kamiokande (SK), tôi tham gia vào việc vận hành và lấy số liệu cho thí nghiệm.

- Các dự án ông tham gia cụ thể là gì?

- Hai thí nghiệm nổi tiếng là Tokai to Kamioka (T2K) và Super-Kamiokande (SK) đặt tại Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong việc đo các tính chất và giải mã những bí ẩn của hạt neutrino. Thí nghiệm T2K sử dụng máy gia tốc J-PARC để tăng tốc chùm tia proton năng lượng cao, cho va vào bia tương tác để tạo ra các hạt mẹ của neutrino. T2K đã là thí nghiệm đầu tiên phát hiện ra quá trình chuyển đổi 2 trạng thái neutrino khác nhau năm 2013 và nhận được giải thưởng Đột Phá năm 2016. Tiếp đến, T2K đã phát hiện dấu hiệu đầu tiên của vi phạm đối xứng CP trong hệ neutrino năm 2020, một phát hiện quan trọng có thể giải thích sự mất cân bằng giữa vật chất và phản vật chất trong vũ trụ. Thí nghiệm T2K vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu để xác nhận phát hiện này.

Super-Kamiokande là một trong những máy dò neutrino lớn nhất thế giới, đã hoạt động từ năm 1996, với bể chứa 50.000 tấn nước siêu tinh khiết và hơn 11.000 ống nhân quang. Đây là công cụ chính để nghiên cứu neutrino từ nhiều nguồn khác nhau. SK đã giúp phát hiện sự dao động của neutrino, đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel Vật lý năm 2015. Hiện SK được nâng cấp và có nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ lần đầu tiên phát hiện ra bức phông nền neutrino, tàn dư từ các vụ nổ sao trong vũ trụ. Dự kiến vào năm 2027, Hyper-Kamiokande, thế hệ tiếp theo với quy mô gấp 10 lần SK, sẽ bắt đầu hoạt động, mở ra kỷ nguyên mới trong nghiên cứu neutrino.

- Tại sao ông trở về Việt Nam và gia nhập Viện Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE)?

- Tôi biết đến IFIRSE vào năm 2012, khi tham dự hội nghị Vietnus2012 do GS Karol Lang tổ chức ở Quy Nhơn. Lúc đó, ICISE đang xây dựng và GS Lang đã gợi ý rằng đây có thể là nơi lý tưởng để phát triển khoa học neutrino tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ ở Mỹ và làm việc tại Nhật Bản, tôi quyết định về Việt Nam và gia nhập IFIRSE năm 2022. Tôi ấn tượng với tâm huyết của GS Trần Thanh Vân và môi trường nghiên cứu độc đáo tại đây. Đây là nơi thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, tự do học thuật, và kết nối với các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Hiện, tôi dẫn dắt nhóm nghiên cứu về neutrino tại IFIRSE.

- Mục tiêu các dự án mà ông và cộng sự đang triển khai tại IFIRSE là gì?

- Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, IFIRSE tham gia vào thí nghiệm T2K và SK. Trong T2K, chúng tôi thu thập dữ liệu để tăng độ nhạy và tìm kiếm vi phạm đối xứng CP. Nếu thành công, đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng cho vật lý hiện đại. Với SK, chúng tôi hiện chủ yếu hỗ trợ vận hành. Ở cấp quốc gia, chúng tôi thực hiện dự án Nafosted nghiên cứu lý thuyết về neutrino, tìm cách dùng dữ liệu thực nghiệm để kiểm chứng và phát triển các mô hình vật lý mới. Về lâu dài, chúng tôi đang phát triển một phòng thí nghiệm tại ICISE.

Mục tiêu không chỉ phục vụ trực tiếp cho các thí nghiệm neutrino quốc tế mà còn mong muốn đưa các công nghệ tiên tiến về Việt Nam và tạo một hướng đi riêng. Chúng tôi phát triển các công nghệ ánh sáng với các cảm ứng silicon siêu nhạy và siêu nhạy. Chúng tôi cũng đang hợp tác phát triển hướng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) trên phần cứng, thí nghiệm đo và tính toán lượng tử.

Nhóm nghiên cứu vật lý neutrino của IFIRSE. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Cao Văn Sơn (đầu tiên bên phải) và nhóm nghiên cứu vật lý neutrino tại IFIRSE. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Neutrino sẽ được ứng dụng vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội ra sao, thưa ông?

- Nghiên cứu neutrino mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng thực tiễn và địa phương. Chúng tôi quan tâm và có các kỹ năng để phát triển hệ thống giám sát neutrino từ lò phản ứng hạt nhân. Đây là phương pháp có thể giám sát từ xa hoạt động của các lò phản ứng, giúp phân biệt giữa mục đích sản xuất điện và làm giàu uranium cho phát triển vũ khí hạt nhân. Các kỹ thuật phát hiện các tia vũ trụ với các chất nhạy sáng và các cảm ứng quang cực nhạy và nhanh có thể ứng dụng để "chụp X-quang" các cấu trúc địa chất lớn và ứng dụng trong y học hạt nhân và xạ trị.

Với Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, chúng tôi có thể hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia nhằm chuyển đổi công nghệ, phát triển các hệ đo để quan sát được tia vũ trụ, phát hiện tia gamma từ tia vũ trụ...

- Tại sao ông đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép Việt Nam tham gia thí nghiệm HK như một nhiệm vụ quốc gia?

- Tham gia thí nghiệm HK sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Đối với Bình Định, điều này giúp nâng cao vị thế khoa học của tỉnh. Đồng thời, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ và tạo cơ hội việc làm cho nhân lực địa phương lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao. Ở quy mô quốc gia, nó giúp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt trong vật lý hạt và thiên văn học, phát triển công nghệ cao như cảm biến, xử lý dữ liệu lớn. Ngoài ra, còn giúp tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khoa học thế giới, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Ông có lời khuyên gì dành cho các nhà khoa học trẻ?

- Khoa học không bao giờ lạc hậu. Trong thời đại AI, kiến thức cơ bản ngày càng quan trọng để đánh giá thông tin chính xác hay là không. Đừng ngại theo đuổi ngành STEM để mở ra cơ hội du học và phát triển sự nghiệp quốc tế. Xem khoa học như "thẻ xanh" toàn cầu, mở ra cơ hội làm việc, học tập với các nhà khoa học hàng đầu.

Nhiều bạn trẻ lo lắng về tài chính khi theo đuổi con đường khoa học. Tuy vậy, mình muốn nhắc lại câu nói của Steve Jobs, nhà sáng lập Apple: "Hãy cứ khát khao, hãy cứ khờ dại". Con đường khoa học có thể gian nan nhưng rất ý nghĩa. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trẻ trong hành trình khoa học của mình.

TS Cao Văn Sơn sinh năm 1986 tại Quảng Bình. Năm 2008, ông tốt nghiệp khoa cử nhân tài năng khoá 8, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Năm 2014, ông tốt nghiệp chương trình tiến sĩ đại học Texas ở Austin với chương trình học bổng VEF (Vietnam Education Foundation). Giai đoạn 2014-2022, làm việc ở Nhật Bản bao gồm đại học Kyoto và Đại học Okayama, và Trung tâm Vật lý năng lượng cao KEK.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2404

Về trang trước Về đầu trang