Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (01/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Qua thực tiễn 10 năm thi hành, Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2013 góp phần tăng cường, thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Luật KH&CN được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN năm 2013 đã góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế .

Qua thực tiễn 10 năm thi hành, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Đồng thời, Luật KH&CN cũng góp phần tăng cường, thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Nội dung về hội nhập quốc tế được quy định thành 1 chương (từ Điều 70 đến Điều 72) trong Luật KH&CN năm 2013. Ngày 30/5/2014, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN quản lý nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư để triển khai công tác quản lý nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với nước ngoài (được thay thế bởi Thông tư số 10/2019/TTBKHCN ngày 29/10/2019).

Đồng thời, để triển khai Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức, thực hiện Đề án.

Hai chương trình thành phần của Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 và một số văn bản phục vụ công tác quản lý Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được đề xuất sửa đổi hoặc ban hành để đảm bảo thi hành nghiêm túc các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia (ví dụ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14) được ban hành với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và thi hành nghĩa vụ về SHTT trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), rà soát các cam kết hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), ...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trong buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Keijo Novanto.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với hơn 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; hơn 150 hiệp định, thỏa thuận hợp tác KH&CN. Trong đó, riêng trong giai đoạn 2011-2020, đã có 25 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN được ký kết. Việc tham gia vào các diễn đàn đa phương về KH&CN được thúc đẩy trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào hoạt động chung, tranh thủ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên của tổ chức; dần trở thành đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong các quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương về KH&CN.

Thực tế, các hoạt động hợp tác đã giúp tăng cường năng lực nghiên cứu cho các đối tác Việt Nam qua đào tạo nguồn nhân lực khoa học. Tham gia vào các chương trình, dự án hợp tác, một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trình độ cao đã được đào tạo, trong đó có một số lượng đáng kể được đào tạo chính quy, theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác nghiên cứu cũng giúp nâng cao kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu các vấn đề thực tiễn của Việt Nam.

Bên cạnh một số ứng dụng thực tiễn cụ thể, những kết quả của hoạt động nghiên cứu từ các dự án hợp tác được phản ánh rõ nhất qua các ấn phẩm khoa học. Đặc biệt, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) đã tài trợ được 67 tiểu dự án, thu hút được 158 đơn vị tham gia. Thông qua dự án FIRST, hoạt động đào tạo chuyên môn sâu và theo ê-kip tại các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hiện đại của một số đối tác mạnh về KH&CN được thúc đẩy.

Các hoạt động hợp tác này đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tiếp cận các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại của phía đối tác, đem lại nhiều kết quả nghiên cứu đạt chất lượng cao, được đăng bài trên các tạp chí quốc tế uy tín. Bên cạnh đó, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) cũng đã được triển khai, là chương trình tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh ở Việt Nam …

Công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt đào tạo cho cán bộ trong các cơ quan thực thi quyền SHTT và cơ quan quản lý có liên quan được quan tâm thúc đẩy. Sau khi các FTA được ký kết hoặc có hiệu lực, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để phổ biến, tuyên truyền về các Hiệp định này tới các nhóm đối tượng có liên quan, tập trung vào các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng có thể chịu sự tác động như các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

Nhiều khóa đào tạo đã được tổ chức, góp phần cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho các cán bộ làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân liên quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ KH&CN cũng được chú trọng triển khai nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới .

“Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học” và “Trung tâm vật lý quốc tế” (đặt tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), là hai trung tâm khoa học dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO, được hình thành. Hai Trung tâm đóng vai trò là Trung tâm Toán học, Vật lý của các nước ASEAN, là nơi tập hợp các nhà khoa học và giáo sư đầu ngành về Toán học và Vật lý của khu vực, tạo tiền đề thuận lợi để nâng cao tầm ảnh hưởng đối với khu vực thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Một số trường đại học được thành lập trên cơ sở thỏa thuận liên Chính phủ, góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, đủ năng lực tham gia quá trình hội nhập quốc tế.

Dự án Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) được triển khai nhằm phát triển mô hình nghiên cứu ứng dụng mới tại Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất trong nước dựa theo mô hình Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), hướng đến việc đưa VKIST trở thành viện nghiên cứu hàng đầu về nghiên cứu và phát triển khoa học ứng dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến.

Các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được tích cực triển khai, tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ của phía đối tác, góp phần giải quyết một số vấn đề khó khăn, thách thức về KH&CN trong nước một cách nhanh hơn và có hệ thống hơn, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước. Các hoạt động hợp tác nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN theo các chuẩn mực quốc tế để hội nhập hiệu quả hơn; góp phần tăng nguồn lực về tài chính, trang thiết bị nghiên cứu, phần mềm cho các tổ chức KH&CN trong nước.

Trong giai đoạn vừa qua, hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN đã được triển khai khá tích cực. Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong giai đoạn 2014 - 2024 cho thấy đã có sự thay đổi rõ nét trong chính sách hợp tác KH&CN của Việt Nam với các đối tác nước ngoài theo hướng các bên cùng chia sẻ trách nhiệm và tài chính, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Ngày càng nhiều khuôn khổ hợp tác mới được hình thành với sự tham gia tích cực và chủ động hơn của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài trở về.

Nhiều cán bộ KH&CN của Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo thuộc các chương trình, dự án quan trọng của ASEAN, APEC, IAEA, WIPO, UNESCO, …; các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lớn như Chương trình Horizon 2020 của EU, Chương trình Đồng tài trợ cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á - Châu Âu (SEA-EU JFS), Chương trình Nghiên cứu chung Đông Á (e-ASIA JRP); Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (A4I); tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu về các vấn đề được quốc tế và khu vực quan tâm.

Công tác hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ KH&CN cũng được chú trọng triển khai nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Bộ KH&CN đã chủ trì triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 2395/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2395) .

Bên cạnh đó, các hoạt động liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh về KH&CN của nước ngoài để triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Bộ KH&CN và các chương trình, đề án khác cũng được thúc đẩy như: tổ chức khóa đào tạo “Quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN” tại Vương quốc Anh và khóa “Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách trọng dụng nhân lực KH&CN” tại Nhật Bản (năm 2013); Tổ chức khóa bồi dưỡng về “Quản lý khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo” tại Liên bang Nga (năm 2015).

Thông qua các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đã thu hút được gần 50 triệu USD (tương đương khoảng 1.150 tỷ đồng) kinh phí đóng góp từ đối tác nước ngoài (chưa kể các khoản đóng góp không quy đổi được). Việc thu hút nguồn lực tài chính, phi tài chính quốc tế thông qua lồng ghép hợp tác KH&CN vào các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, các khuôn khổ hợp tác và các văn kiện hợp tác ký kết với nước ngoài được quan tâm đúng mức.

Việc thu hút chuyên gia, nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các chương trình đào tạo tại Việt Nam cũng được thúc đẩy. Hàng năm, có hàng trăm lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước cùng kết hợp với các nhà khoa học trong nước thực hiện các hoạt động trao đổi học thuật theo các “kênh” khác nhau . Các mạng lưới về KH&CN và đổi mới sáng tạo kết nối với các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới dần được hình thành.

Thông qua các hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (TechDemo) hàng năm, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế cũng như qua quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, Bộ KH&CN đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia quốc tế với hơn 500 công nghệ nước ngoài thuộc các lĩnh vực công nghệ, vật liệu, năng lượng, v.v, phục vụ công tác giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Việc kết nối với chuyên gia công nghệ quốc tế để cùng triển khai các chương trình, dự án, trao đổi kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, v.v. cũng được tăng cường.

Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 được triển khai, đã hỗ trợ 04 nhiệm vụ hợp tác với các đối tác nước ngoài thực hiện. Thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, việc hỗ trợ các địa phương thăm, làm việc tại các quốc gia có thế mạnh về KH&CN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v. đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý về KH&CN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài theo nhu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, giai đoạn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 và Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài được từng bước tăng cường và nâng cao hiệu quả. Các cơ quan đại diện KH&CN ở nước ngoài tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ với 23 địa bàn trọng điểm, đã bước đầu đã khai thông các kênh hợp tác về KH&CN, giới thiệu kinh nghiệm và mô hình phát triển KH&CN của các nước, vận động, thu hút nguồn lực và hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4290

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC