Tin KHCN trong nước
Những sáng kiến tiết kiệm năng lượng (11/06/2024)
-   +   A-   A+   In  

Công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói, hệ thống chiếu sáng xanh thông minh cùng ứng dụng kỹ thuật sản xuất nước mắm... được trao giải Vifotec 2023.

Giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO 2023 hồi cuối tháng 5 vinh danh 47 công trình khoa học tiêu biểu, dựa trên tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế. Giải thưởng tập trung 6 lĩnh vực trọng điểm gồm cơ khí tự động hóa; vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Trong đó ở lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có giải nhất thuộc về công trình "Ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, siêu mỏng, tiết kiệm năng lượng" của tác giả Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, ThS Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Văn Thành (Công ty CP kinh doanh – Xuất nhập khẩu gốm Đất Việt).

Lần đầu tiên tại Việt Nam, gốm Đất Việt áp dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn kết hợp với phối liệu siêu mịn vào sản xuất sản phẩm gạch ngói cao cấp siêu mỏng, siêu nhẹ tiết kiệm năng lượng. Công nghệ nghiền khô có sự vượt trội so với công nghệ cũ làm ướt, được ứng dụng hiệu quả trong phát triển sản xuất của Gốm Đất Việt. Việc ứng dụng thành công giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí than, giảm sức lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty, mang hiệu quả kinh tế đạt 46 tỷ đồng/năm. Nghiên cứu có thể thành nền tảng áp dụng cho toàn ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (bìa trái) và TSKH Phan Xuân Dũng (bìa phải) trao bằng khen cho các tác giả công trình đoạt giải nhất. Ảnh: La Duy

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (bìa trái) và TSKH Phan Xuân Dũng (bìa phải) trao bằng khen cho các tác giả công trình đoạt giải nhất. Ảnh: La Duy

Một công trình khác về nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng xanh thông minh sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng thử nghiệm cho vùng biên giới, hải đảo, của công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông giành giải Ba.

Công trình xây dựng giải pháp đầu tiên ở Việt Nam cho hệ thống chiếu sáng đường biên giới, hải đảo sử dụng năng lượng mặt trời trên nền tảng công nghệ IoT và AI. Trong đó công nghệ AI giúp đưa ra chiến lược điều khiển thích ứng nhằm nâng cao hiệu quả chiếu sáng, đồng thời dự báo, chẩn đoán các hư hỏng và nâng cao vòng đời sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Nghiên cứu cũng giải quyết vấn đề về hiệu suất pin, quá trình sạc/xả pin lưu trữ, công nghệ truyền dữ liệu tối ưu, ổn định. Hiện mô hình thí điểm ứng dụng chiếu sáng xanh thông minh được triển khai thực tế tại Huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh.

Theo ước tính, đối với tuyến đường 1 km sử dụng đèn LED nguồn điện lưới AC, chủ đầu tư phải chi khoảng hơn 3 tỷ đồng, trong khi sử dụng đèn LED nguồn năng lượng mặt trời chi phí đầu tư chỉ khoảng 1,36 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 50% - 60%.

Tủ điều khiển đánh giá tuổi thọ Led, ứng dụng tại Rạng Đông. Ảnh: Rạng Đông

Tủ điều khiển đánh giá tuổi thọ Led, ứng dụng tại Rạng Đông. Ảnh: Rạng Đông

Công trình ứng dụng công nghệ mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nước mắm, của kỹ sư Nguyễn Văn Tuyến, công ty chế biến hải sản Ba Làng, Thanh Hóa, được ứng dụng mang lại hiệu quả cao.

Nước mắm truyền thống có điểm hạn chế như giá thành cao, gấp khoảng 3-6 lần nước mắm công nghiệp, hàm lượng muối (độ mặn) cao hơn. Công trình đã ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới giúp tận dụng triệt để năng lượng và nâng cao chất lượng trong sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo đó, quá trình gia nhiệt cho bể chượp bằng cách phơi nắng tự nhiên sẽ được thay thế bằng việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống cấp nhiệt bổ sung. Quá trình đảo trộn thủ công sẽ thay bằng hệ thống đảo tự động. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống đảo trộn tự động trong sản xuất nước mắm khắc phục được các nhược điểm của phương pháp ủ chượp truyền thống, rút ngắn thời gian chế biến nước mắm xuống 8-10 tháng (trong khi phương pháp truyền thống thường 15-18 tháng). Hệ thống cấp nhiệt có tính ổn định cao giúp khắc phục khó khăn do thời tiết, cho hiệu quả thu hồi sản phẩm cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Việc ứng dụng đổi mới công nghệ giúp thu được 62.000 lít nước mắm loại đặc biệt, 27.000 lít nước mắm loại 1, 13.000 lít nước mắm loại 2, mang hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất với tỷ suất lợi nhuận là 23,35. So với phương pháp sản xuất truyền thống thông thường, phương pháp mới có thời gian sản xuất nhanh và lượng nước mắm đặc biệt thu được nhiều hơn so với phương pháp truyền thống là 100 lít/tấn, chất lượng nước mắm thơm ngon hơn, vị hài hòa hơn.

Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1995. Đến nay đã có gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2799

Về trang trước Về đầu trang