Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Hội đồng nghiệm dự án SXTN “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” (23/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 22/4/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả Dự án SXTN “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Đề tài do ThS. Chu Trung Kiên làm chủ nhiệm. Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam là cơ quan chủ trì. Tham dự có ông Trần Duy Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, chủ tịch hội đồng.

Dự án được thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế trái nhãn góp phần phát triển bền vững cây nhãn theo hướng hữu cơ theo chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhãn là cây ăn trái chủ lực có diện tích đứng đầu toàn tỉnh. Theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND tỉnh BR-VT, năm 2018 về việc Thông qua quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 quy định chỉ tiêu quy hoạch nông nghiệp cho diện tích cây nhãn là rất lớn chiếm 1.810 ha (năm 2025) và 2.390 ha (năm 2030). Điều này cho thấy cây nhãn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Thực tiễn tại các vùng sản xuất nhãn vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố cần khắc phục để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng, và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, sản phẩm nhãn được chứng nhận theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành còn rất hạn chế nên chưa tạo ra niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng; Thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nên tính minh bạch và uy tín của sản phẩm cũng có những giới hạn nhất định. Việc mở rộng diện tích sản xuất nhãn có chứng nhận nhằm nâng cao quy mô, gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế, cải thiện chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cùng với việc bảo vệ môi trường sinh thái nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trên cơ sở giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm hóa nông trong sản xuất nhãn cũng rất quan trọng là những yêu cầu cấp thiết cho sản xuất nhãn của tỉnh hiện nay.

 

Sau hơn 30 tháng triển khai thực hiện, dự án đã đạt được kết quả sau:

 

 Xây dựng được 30 ha mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế > 35% so với sản xuất truyền thống, thân thiện với môi trường và có liên kết sản xuất - tiêu thụ, vượt 10 ha chứng nhận VietGAP và hiệu quả kinh tế cao hơn mức 10% so với kế hoạch trong thuyết minh.

 

 Đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng 2 bộ mã QR code tích hợp tem truy xuất nguồn gốc cho Hợp tác xã Nông nghiệp Long Mỹ và Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý đáp ứng được kế hoạch trong thuyết minh.

Lễ công bố Chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với sản phẩm Nhãn Edor của Tổ hợp tác (THT) sản xuất Nhãn Edor ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT

 

 Xây dựng được Quy trình kỹ thuật canh tác nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ áp dụng cho vùng trồng nhãn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

 Phối hợp với Sở NN & PNNT tỉnh cấp mã vùng trồng cho 15 ha nhãn Xuồng cơm vàng ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ.

 

Đánh giá kết quả thực hiện, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều thống nhất về cơ bản dự án đã giải quyết được các mục tiêu, nội dung phương pháp nghiên cứu của dự án. Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu cũng phân tích, làm rõ thêm một số nội dung cần bổ sung và hoàn thiện theo góp ý của các thành viên Hội đồng.

 

Một số hình ảnh cây nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh

 

 

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 1150

Về trang trước Về đầu trang