Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng 5 mô hình TLRĐ trên diện tích 2 ha theo hướng VietGAP tại xã Bưng Riềng theo quy trình trồng đã được áp dụng thành công tại xã Bông Trang nhằm góp phần chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trong huyện.
Theo chủ nhiệm dự án, từ năm 2009, mô hình này đã được triển khai thử nghiệm tại xã Bông Trang. Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, sản phẩm TLRĐ của 05 mô hình tại xã Bông Trang được thị trường chấp nhận với giá cao và có đầu ra ổn định. Trong quá trình thực hiện dự án, đội ngũ nông dân trong các xã đã từng bước nắm rõ về quy trình canh tác TLRĐ theo hướng VietGAP. 05 hộ tham gia dự án đã có cuộc sống ổn định và vươn lên khá giàu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Các hộ tham gia trong chương trình của dự án nhận thấy trồng thanh long theo VietGAP cho năng suất cao, giảm được 20 - 30% chi phí do giảm được lượng thuốc sâu và phân bón, ít sâu bệnh hơn, quả đẹp, ngọt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng với giá bán cao hơn rất nhiều so với thanh long thường.
Với kết quả đó, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đề xuất nhân rộng thêm 05 mô hình trồng TLRĐ trên địa bàn xã Bưng Riềng với quy mô 2 ha theo hướng VietGAP. Đoàn đã đến kiểm tra mô hình trồng cây TLRĐ tại 05 hộ thuộc phạm vi triển khai của dự án. Đó là các hộ: ông Lê An (ấp 1, xã Bưng Riềng); ông Nguyễn Văn Cầm (ấp 1, Bưng Riềng); ông Hà Phúc Quận (ấp 1, Bưng Riềng); ông Nguyễn Văn Bản (ấp 2, Bưng Riềng). Bước đầu, dự án trồng TLRĐ tại xã Bưng Riềng đã có nhiều dấu hiệu khả quan, 05 hộ dân trồng TLRĐ theo hướng VietGAP rất phấn khởi vì được chọn trồng TLRĐ vì những tính năng cây trồng chịu hạn tốt, có giá trị kinh tế, có đầu ra ổn định như cây TLRĐ.