Kể từ năm 2006, diễn biến của dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa trở nên vô cùng phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam. Ngoài việc rầy nâu gây hại trực tiếp cho cây lúa (gây cháy rầy), một cách gián tiếp chúng còn là môi giới truyền bệnh siêu vi khuẩn gây mất mát cho năng suất và sản lượng lúa. Đề tài nhằm thu hút thiên địch, kìm hãm được quần thể rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở mức thấp nhất, không gây thiệt hại về mặt kinh tế. Đề tài đã xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa trên diện tích 10ha. Bên cạnh đó đã đề xuất được quy trình quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa tại tỉnh BR-VT.
Qua thời gian thực hiện, đề tài đã cung cấp dữ liệu làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá mực độ gây hại của rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thông qua mô hình Công nghệ sinh thái – một biện pháp phòng trừ cần thiết và đạt hiệu quả về kỹ thuật cũng như hiệu quả về kinh tế, yếu tố môi trường và xã hội. Đã nâng cao sự hiểu biết cho cán bộ bảo vệ thực vật và nông dân trồng lúa về những kết quả nghiên cứu của mô hình thông qua biện pháp phòng trừ sinh học tự nhiên bằng cách trồng hoa dẫn dụ thiên địch hạn chế quần thể các loài côn trùng là dịch hại trong đó có rầy nâu.
Hội đồng khoa học nhận định, đề tài đã đáp ứng được nhu cầu bảo vệ năng suất, sản lượng và tăng thu nhập, tạo cảnh quan đẹp cho hệ sinh thái trồng lúa, tránh hiện tượng ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng, phục vụ tốt cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả mà đề tài đạt được và đồng ý nghiệm thu.