Tiêu chuẩn ĐLCL
Chương trình 712 Tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới và phát triển (23/10/2013)
-   +   A-   A+   In  
Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) được phê duyệt và triển khai thực hiện đã tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới và phát triển. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội nghị quốc gia về thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 712, do Bộ KH - CN tổ chức mới đây.

Xu hướng lan tỏa

Chương trình 712 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 712/QĐ - TTg ngày 21.5.2010. Chương trình có 9 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án của 7 bộ quản lý ngành chủ trì, 1 dự án của địa phương thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ KH - CN Trần Việt Thanh - Phó trưởng ban điều hành Chương trình 712, Bộ KH - CN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của chương trình. Đồng thời Bộ KH - CN cũng thực hiện 2 dự án chính là Dự án Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng (NSCL).

Với Dự án Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sau thời gian được triển khai đến nay đã hướng dẫn, áp dụng được trên 200 tiêu chuẩn quốc gia và 5 quy chuẩn quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực như thép, sản phẩm dầu mỏ, dây cáp điện, máy lạnh, phân bón, cao su, cà phê, chè, hiệu suất năng lượng, EMC… Tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành cũng đã có trên 6.500 TCVN cho 98 lĩnh vực, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực chiếm tỷ lệ 38%. Còn với Dự án Thúc đẩy hoạt động NSCL, cơ quan chức năng thuộc Bộ KH - CN đã xây dựng xong các chương trình khung, giáo trình đào tạo kiến thức chung về NSCL; giáo trình đào tạo tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất; tổ chức hàng loạt các chương trình đào tạo chuyên gia, cán bộ tư vấn, quản lý chuyên môn cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…

Đồng hành cùng 2 dự án trên là các dự án thuộc các bộ, ngành và của các địa phương. Kết quả sau 3 năm, Bộ KH - CN đã xem xét, thẩm định 42 dự án NSCL địa phương. 36 dự án NSCL địa phương đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Điển hình là các dự án của các địa phương như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Hải Dương, Hà Nội, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa… 9 dự án khác đã hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định của Bộ KH - CN, đang hoàn thiện để trình UBND tỉnh, thành phố là các dự án của Bến Tre, Cao Bằng, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Yên Bái… Và có 4 dự án đã trình UBND tỉnh, thành phố để xin ý kiến chỉ đạo là các dự án của Điện Biên, Lai Châu, Thái Bình, TP. HCM.

Thứ trưởng Bộ KH - CN Trần Việt Thanh nhận định, qua quá trình triển khai cho thấy hoạt động NSCL đã có xu hướng lan tỏa, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động và đời sống kinh tế - xã hội trong cả nước. Các dự án đã tập trung và định hướng theo mục tiêu tăng năng suất, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng GDP.

Điểm tựa của doanh nghiệp

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Chương trình 712 được phê duyệt vào đúng thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam đang cần một động lực để chuyển mình từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung đầu tư vốn và sử dụng nguồn lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách thức quản lý hiệu quả hơn, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KH – CN Trần Văn Vinh cho biết, mặc dù các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, thậm chí có doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, áp dụng thành công các công cụ cải tiến NSCL - 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng). Điển hình là Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài, Công ty Điện lực Sơn La, Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty TNHH ROBOT, Xí nghiệp Tân Á (thuộc CADIVI)…

Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Lê Quang Thái cho biết, 5S không chỉ tạo môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, an toàn hơn mà còn giúp mỗi cán bộ, công nhân viên có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt 5S tạo được sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp, coi nơi làm việc như mái nhà chung.

Hay như tại Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, Văn phòng khu vực miền Bắc – Vietnam Airline, Công ty CP May Nam Hà, Công ty SX – TM Đức Việt… Việc triển khai thực hiện dự án cải tiến NSCL tại doanh nghiệp được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả bất ngờ.

Cụ thể, tại Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, khi áp dụng dự án cải tiến NSCL vào bệnh viện, kết quả là đã giảm được các bước trong quá trình xét nghiệm từ 58 bước xuống còn 48 bước; thời gian xét nghiệm và trả kết quả được rút ngắn, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân và đội ngũ bác sỹ. Còn tại Công ty CP May Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/1 mã hàng xuống còn 32 giờ/1 mã hàng; nâng cao năng suất lao động tại phân xưởng may tăng lên 20 - 30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 50%...

Có thể nói, việc thực hiện Chương trình 712 đã tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển mình và phát triển; hàng hóa và dịch vụ “Made in Vietnam” đang dần lấy lại uy tín trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nước ta chưa đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Do đó “các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các phương thức quản lý tiên tiến cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng là những điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và từng bước có mặt trong các chuỗi cung ứng có sức cạnh tranh toàn cầu” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

 

Nguồn: truyenthongkhoahoc

Số lượt đọc: 4338

Về trang trước Về đầu trang