Tin KHCN trong nước
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 (15/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 14/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 - lần thứ 6” với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn

Trải qua 5 năm tổ chức, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng đã giới thiệu hơn 100 công nghệ trong và ngoài nước, cung cấp xu hướng phát triển công nghệ, định hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi, chia sẻ, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng.

Sự kiện thường niên năm nay thu hút gần 300 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường trên toàn quốc, cùng đại diện các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ban tổ chức hy vọng, Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao tính lan tỏa, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ năng lượng và đưa lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng thành một trong những lĩnh vực có đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Diễn đàn thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao, nguồn vốn từ các đối tác quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Đảng và Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này. Những hành động đã và đang triển khai thực hiện được Thủ tướng Chính phủ công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, ngày 2/12/2023. Trong đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở, vật chất…). Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cùng với các bộ, ban, ngành đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã cùng thảo luận, đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và đưa ra những góp ý chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như tạo môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Theo dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ. Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó là năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh. Theo các chuyên gia, để phát triển ngành điện tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác.

Đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ông Simon Kreye cho biết, CHLB Đức sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này. Theo ông Simon Kreye, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như không phát thải carbon ròng, rất cần các chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam để chuyển từ các ngành năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Trong đó, nội địa hóa công nghệ có thể giúp hỗ trợ tăng tính cạnh tranh trong phát triển năng lượng.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4584

Về trang trước Về đầu trang