Tin KHCN trong nước
Cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia (12/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thúc đẩy tư duy năng suất; xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp tái cấu trúc nội dung của các chương trình năng suất.

Các đại biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 - Ảnh: VGP/HG

Ngày 12/12, Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất" nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng "Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Đây chính là những định hướng quan trọng và rất thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm nay có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bộ KH&CN tin tưởng rằng, đây là cơ hội tốt để trao đổi, thảo luận về những giải pháp, chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đồng thời, diễn đàn này cũng sẽ kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam.

Thúc đẩy tư duy năng suất

Tại Diễn đàn, TS. Indra Pradana Singawinata, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) nhận định, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như thiếu nguồn lực con người, năng lực quản lý... 

Do đó, Việt Nam cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp ngoài nước phát triển. Đồng thời cần tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần thống nhất chương trình đào tạo, bảo đảm tiếp cận nhân lực chất lượng và bình đằng, tăng cường tính minh bạch.

PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, thời gian qua, Việt Nam có tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất hiện còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Nếu không tăng tốc đáng kể về tăng trưởng năng suất, Việt Nam sẽ khó đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

PGS. TS Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược cụ thể về các yếu tố tăng trưởng TFP (năng suất nhân tố tổng hợp), phát triển nguồn nhân lực và tăng độ thâm dụng về vốn.

PGS. TS Vũ Minh Khương cũng đưa ra 5 khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, đó là: Thúc đẩy tư duy năng suất; phát triển một chiến lược năng suất quốc gia mạnh mẽ thông qua các tiếp cận toàn diện, toàn quốc; thành lập các tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối, khuyến khích và giám sát các sáng kiến trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất ở mọi cấp độ; khởi động nỗ lực nâng cao năng suất quốc gia để thu hút và huy động các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tăng năng suất ở tất cả các cấp; tạo động lực và khuyến khích những bước đi mang tính chiến lược, đột phá để tăng năng suất.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng đã diễn ra các hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất; giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất; phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất; thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh, thành phố.

Các chuyên gia đều cho rằng, năng suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất là một yếu tố nền tảng để đạt các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng.

Đối với Việt Nam, cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp tái cấu trúc nội dung của các chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: "Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự đầu tư cải tiến năng suất". Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm và tập trung kinh phí để có được kết quả tốt nhất.

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 39,0%( vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Trong thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp như: Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ)...

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 5016

Về trang trước Về đầu trang