Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ áp dụng tuần hoàn sinh học và sử dụng Oxy lỏng để sản xuất giống và nuôi cá mú lai sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm (28/09/2023)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 28/9/2023, Sở KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ áp dụng tuần hoàn sinh học và sử dụng Oxy lỏng để sản xuất giống và nuôi cá mú lai (♀ mú cọp: Epinephelus futcoguttatus X  ♂ mú nghệ: E. lanceolatus) sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm với điều kiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Tham dự họp có ông Trần Duy Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp cùng các thành viên Hội đồng và phòng chuyên môn thuộc Sở.

ThS. Nguyễn Hữu Thanh - Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam bộ - Chủ nhiệm đề tài trình bày tại Hội đồng

Theo đó, hồ sơ tham gia tuyển chọn có 01 hồ sơ: Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam bộ.

Mục tiêu chung của đề tài là xây dựng quy trình sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm cá mú lai (cá mú trân châu) bằng hệ thống tuần hoàn sinh học kết hợp Oxy lỏng nhằm tăng năng suất, cá sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm ở điều kiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nội dung của đề tài là hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá mú lai sạch các loại bệnh thông thường và bệnh do Irridovirus trong hệ thống tuần hoàn, bổ sung Oxy lỏng. Xây dựng quy trình vận hành hệ thống tuần hoàn và sử dụng Oxy lỏng trong sản xuất giống. Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá mú lai trong hệ thống tuần hoàn kết hợp oxy lỏng sử dụng thức ăn công nghiệp. Xây dựng quy trình vận hành hệ thống tuần hoàn và sử dụng Oxy lỏng trong nuôi thương phẩm qui mô hộ gia đình (1 đơn nguyên). Tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân.

Được biết, Cá mú lai - cá mú Trân Châu là sản phẩm lai giữa cá mú nghệ đực (Epinephelus lanceolatus) và cá mú cọp cái (Epinephelus futcoguttatus). Cá mú nghệ có tốc độ sinh trưởng nhanh và sức đề kháng tốt. Ngược lại, cá mú cọp có tốc độ sinh trưởng chậm nhưng thịt ngon và được ưa chuộng. Con lai sẽ có ưu thế lai về tốc độ sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, ít tiêu tốn thức ăn, thịt ngon và cá giá trị kinh tế cao. Vì vậy, cá mú Trân Châu được sản xuất và nuôi phổ biến tại nhiều nước khu vực Đông - Đông Nam Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tại cuộc họp, sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày, các thành viên Hội đồng đã tiến hành đánh giá, góp ý bản thuyết minh theo từng tiêu chí về nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; hiệu quả và phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu, năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Hội đồng khoa học và công nghệ đã nhất trí chọn Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam bộ là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, ThS. Nguyễn Hữu Thanh là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ áp dụng tuần hoàn sinh học và sử dụng Oxy lỏng để sản xuất giống và nuôi cá mú lai (♀ mú cọp: Epinephelus futcoguttatus X  ♂ mú nghệ: E. lanceolatus) sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm với điều kiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với số điểm 79 điểm.

Sự thành công của đề tài sẽ góp phần phát triển công nghệ sản xuất giống nuôi thương phẩm cá mú lai trong hệ thống tuần hoàn sử dụng thức ăn viên công nghiệp tại Việt Nam. Tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tạo ra thêm mô hình nuôi mới, ổn định, tăng thu nhập và góp phần vào sự phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam.

Nguồn: Tuệ Minh

Số lượt đọc: 1668

Về trang trước Về đầu trang